Saturday, November 15, 2008

Tản mạn: Chuyện bịa trên tàu




Sáng... Tàu đã đến sau năm phút em chờ, em uể oải bước lên. Ở cuối toa còn một ghế trống. Tàu vút đi, lại tiếng rít khe khẽ quen thuộc của kim loại nghiến lên nhau. Em nhắm mắt ngủ nốt giấc ngủ còn dang dở...

Anh không hoàn hảo, cao hơn em có một chút và mập mạp, trên khuôn mặt anh nét gì cũng tròn. Em bỏ qua hết vì em ngưỡng mộ giọng nói trầm ấm và chuẩn của anh--ít người sống trên đất này có thể nói tiếng Anh chuẩn thế. Anh luôn đi làm sớm, và năng hỏi han em. Anh ít cười, nên khi anh cười với em, em đã nghĩ đấy là hoa của sa mạc. Đã bao nhiêu quả táo em tặng anh làm bữa sáng vào những hôm trời mưa nhỉ?

Chuông tàu kêu to và chậm rãi khi vào ga tiếp theo. Anh nên chào em đi, em nhìn thấy vợ anh rồi.

---

Tàu lại rồ máy nặng nề chuyển bánh, các ống nước trắng đỏ dọc theo thành đường hầm như kéo dài vô tận.

Anh vốn không phải chàng trai khô cứng mặc dù anh học về tự nhiên. Anh mạnh mẽ, đi nhiều nơi, anh đã trải qua nhiều cảm xúc lãng mạn và chân thật của sách vở, anh nhiều tài và lớn hơn em hẳn. Mùa đông ấy anh rủ em ngồi cạnh, bàn về chuyện đời, giữa một căn phòng ít người, thơm mùi len dạ, khói thuốc, và ly rượu đắng mặn ấm lòng. Anh kể về những chuyến đi, những bức ảnh mà anh nhớ mãi, về chuyện tình cảm nhạt nhòa của anh.

Em, giữa những bộn bề và áp lực, cũng có những phút đồng hồ được cuốn vào một cuộc sống khác--cuộc sống của anh, không có công việc, không có những người mà em không ưa, không có luật lệ đề ra, không có trói buộc của lễ tắc. Tự do và được che chở. Thời gian rất chậm, không gian ấm và mơ hồ.

Ta bước đi trên con đường nhỏ và không người của đêm tối. Lạnh, gió, tay anh khép chặt trong túi áo anh, tay em cuộn lại trong túi áo em. Em đã tự hỏi sao mình ấm thế, là ly rượu hay là gì khác.

Tiếng chuông tàu lại vang lên, tàu trờ vào một ga mới. Em biết anh đang mệt mỏi lần theo con đường lựa chọn của mình. Con đường của anh khiến anh quay lưng lại với những giá trị đẹp đẽ của cuộc sống. Anh cứ dò dẫm tiếp đi, em không trân trọng nữa.

---

Cửa tàu đóng nhẹ, ánh sáng của ga ngầm vừa qua tụt lại phía sau. Tàu lại lao giữa bóng tối, lan can, và những đường ống.

Anh lịch thiệp, khiêm tốn và toàn diện. Anh coi bề ngoài khỏe mạnh là tiêu chí thẩm mỹ hàng đầu của người đàn ông. Anh tập cho mình đủ những môn nghệ thuật hình ảnh, em thích. Anh bất mãn với những suy đồi của văn hóa và cung cách làm việc, nhưng anh không phủi tất và quay lưng lại. Anh thay đổi nội dung của tủ quần áo để làm mới mình. Anh vẫn rong ruổi sáng tác ra những hình ảnh đẹp từ những nơi không đẹp.

Lại ga tiếp theo kìa, tàu xóc lên một chút. Anh sắp đi, và anh cũng nên đi để nhận ra trên đời còn có nhiều thứ phải quan tâm hơn cái đẹp. Em đã xem hết ảnh các cô gái chiếm trọn bộ ảnh của anh rồi.

---

Tàu có vẻ như đi nhanh hơn. Tàu đưa em về quá khứ?

Anh cũng toàn diện nữa, cũng tự nhiên và xã hội, cũng con số của công nghệ, cũng văn thơ nhạc họa. Đôi lúc em thầm nghĩ không biết anh có thiếu thực tế không, vì con số mà anh tiếp xúc chỉ là sản phẩm của công thức quy ước, trong khi văn thơ nhạc họa đưa anh bay lên...

---

Tàu đông hơn rồi.

Anh chăm lo cho em như một người cha chăm lo cho con mình. Anh luôn ở trong vị trí của em để xét đoán và đánh giá. Anh chấp nhận sự vô lý của em như nét chua không thể thiếu trong món canh cá. Anh kiên nhẫn và đáng trân trọng. Nhưng anh ở thực tại nhiều quá mà không mấy khi nghĩ về tương lai. Anh có chín hơn được không?...

---

Tàu đi như không có bến cuối, cứ vài phút chuông lại dóng dả vang lên. Người xung quanh đông hơn, đứng trước mặt em là chen chúc những mái đầu hoa râm, đen, nâu, vàng. Không gian rất lặng, căng thẳng của những người đi làm. Chiếc ghế em ngồi giờ có giá trị cao lắm, vì một tích tắc em đứng lên sẽ có nhiều người cùng nhào tới. Em đã nên xuống tàu chưa?


Friday, October 3, 2008

04 Oct 2008




Rút dép đặt đây. Đi chơi về còn tỉnh thì tính sau :D.

---

Mây đi chơi về rồi, hì, vẫn tạm tỉnh các bạn ạ.

Cám ơn các tình yêu gần xa vì tất cả những gì các bạn gửi tặng Mây: chủ đề trên Flickr, ảnh, tin nhắn di động, tin nhắn tức thời YM, điện thoại, bưu kiện, thiếp, hoa, bánh, và đặc biệt tình yêu thương đám mây đen của các bạn .

Mây em rất là xin lỗi tình yêu nào đã canh giờ để gửi tin nhắn di động chúc mừng nhưng mà em chưa đáp lại ngay. Báo cáo các bạn dạo này em nó cứ cuối tuần là đủng đỉnh chập tối đã lên chuồng và nằm ngoan đến trưa hôm sau ạ .

Năm nay có bạn cực tin vào tay nghề thủ công mỹ nghệ của em nên đã tặng một hộp than chì xịn. Hic thú thực em cũng chưa dám đầu tư vào bàn tay nõn nà của em như thế bao giờ. Em hứa sẽ tạo nên những bức họa có giá trị nhớn đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà.

Kể ra thì viết đến đây cũng hết tỉnh rồi, em xin đóng lại bằng cái ôm thơm thắm thiết nồng nàn đến tất cả các bạn yêu em. Em yêu các bạn ạ :-)!!! *vẫy bóng bay và hoa hồng*

Monday, July 14, 2008

Tản mạn: Chấm hỏi và đẹp

10 minutes


1. Có những thứ mãi tồn tại là mâu thuẫn.

Trong bối cảnh của thời đại nước sơn có đôi phần quan trọng hơn gỗ, tôi vẫn không mấy để ý đến nước sơn khi cần phải đánh giá con người.

2. Khoảng một năm nay, tôi có thói quen soi tất cả các gương mặt mà thị giác cho phép tôi nhìn thấy. Trên tàu. Dưới phà. Khi đi bộ. Khi chờ ngồi vào khám bác sỹ. Khi xếp hàng trong nhà vệ sinh. Tôi nhận thấy bất kỳ ai cũng có ít nhất một nét đẹp: nếu đó không phải là cái mũi hếch lên nghịch ngợm, một lúm be bé chỉ hiện lên khóe miệng khi mím môi, thì cũng là một vài sợi tóc mai mỏng mảnh phất phơ bên má hay một nếp nhăn rạng rỡ kéo từ cánh mũi xuống khóe môi khi cười. Nếu không là những ngón tay thô kêch nhưng uyển chuyển của một phụ nữ từng trải, móng tay hồng hào sạch sẽ thì cũng là đường gân khỏe mạnh nổi trên bàn chân. Những cái đẹp không chuẩn. Không mắt to, mũi nhỏ thẳng, hay đôi môi hình trái tim. Không lông mày lá liễu và ánh mắt liếc như dao cau. Không nước da trắng hồng không tì vết hay sợi lông mao nào lộ liễu. Không tay búp măng và chân thẳng dài. Tôi yêu những gương mặt dành phần lớn thời gian để đăm chiêu vì cuộc sống và bỗng tỏa rạng ngời khi nhận một cuộc điện thoại. Tôi thích thú khi nhận thấy sự đắc chí của một người đàn ông trên tàu khi bấm phím điện thoại nhắn tin cho người quen mà không cần rút điện thoại ra khỏi chiếc bao nhung đen.

Và tôi luôn tưởng tượng nếu tôi có thể bấm máy tự do, tôi sẽ lên khuôn hình như thế nào, bố cục, ánh sáng ra sao, những bức ảnh sản phẩm đúc khuôn từ xã hội sẽ được xử lý màu tươi tắn rạng rỡ hay xanh xao cũ kỹ.

Tôi vẫn nói tôi không để ý đến nước sơn, nhưng hàng phút tôi săm soi đi tìm cái đẹp cho những con người bình thường. Đấy là niềm vui, là thói quen đang biến thành phản xạ, là sự giết thời gian, là một việc mà đôi lúc hứng chí tôi tự gán cho nó tính nhân văn.

3. Một bức ảnh đám ma đẹp luôn đẹp hơn những bức ảnh đám cưới. Một bức chân dung tự nhiên đẹp hơn một bức tạo mẫu hoàn hảo về sắc cũng như kỹ thuật. Có người mẫu là có sản phẩm, nhưng tôi không thích xem ảnh người mẫu đẹp. Và ảnh của tôi, nếu không dùng cho mục đích thương mại, không bao giờ có người mẫu, chỉ có nhân vật. Có nhân vật là có cuộc đời.

4. Những người đàn ông trong giới nhiếp ảnh tán rằng có mấy thứ để tạo nên một bức ảnh đẹp: rượu, thuốc lá, người mẫu, và thời tiết. Tôi nghĩ chỉ có một thứ để tạo nên một bức ảnh đẹp hoàn hảo: tâm hồn.

5. Có một số người đeo tai nghe đi đường chỉ vì sợ mình trông có vẻ không bắt kịp với sự phát triển của trào lưu hiện đại. Có một số người khác trang điểm như một liệu pháp an toàn, không phải vì nghĩ mình sẽ đẹp hơn mà vì không biết như thế nào thì mình sẽ đẹp.

6. Một lời tỏ tình bất ngờ là thú vị. Một hành động tỏ tình là ngọt ngào. Mà đôi lúc chỉ đến khi đi cạnh nhau, chẳng cần nói gì mà vẫn thấy nhận được sự đồng cảm, thì mới cảm nhận được cái đẹp. Cái đẹp có nền tảng trừu tượng nhưng vững chắc nào đó. Cái đẹp không tạo cảm giác phù du hay thức thời. Tôi biết, tôi lại vẫn nhìn vào nước gỗ để cảm.

7. Có những thứ mãi tồn tại là mâu thuẫn.


Thursday, June 26, 2008

Tản mạn: Tiếc

Tossed aside


- Con người ai cũng tham, bởi vì ai cũng tiếc.
- Tiếc gì?
- Sống vội vì tham công tiếc việc.
- Thế ăn vội?
- Tiếc thức ăn thừa. Để lâu sẽ chua hỏng.
- Đưa máy lên chụp vội thì sao?
- Tiếc cái đẹp.
- Đi đường tắt?
- Tiếc sức lực của mình. Tiếc cái mòn mỏi của ai đang đợi.
- Còn đi đường dài?
- Tiếc cảm giác thư thả.
- Thả diều?
- Tiếc gió.
- Vậy em có tiếc gì?
- Em tiếc đã không nhặt những hạt chi chi đỏ như kẹo đường ấy về cất giữ. Tiếc một phút bình thường nhất giữa những phút bình thường hiếm hoi.


Báo chí - Sạn to và rỗng

Hôm nay lòng vòng dantri.com.vn bạn Mây đọc được bài viết này về nhiếp ảnh, cụ thể là Lomography, đối với thế hệ teen. Ban đầu là mừng khấp khởi vì gặp chủ đề yêu thích, mà đọc xong nhìn xung quanh thấy chuối vương vãi ngổn ngang cả mấy nải.

Nửa đầu bài phản ánh xu hướng lấy nhiếp ảnh làm đam mê của lớp trẻ, thuần là thực tế, chưa có gì tòi ra cả. Nửa bài sau viết về Lomography, trong đó Lomography được tác giả định nghĩa là trường phái lọ mọ gặp cái gì cũng chụp với bố cục ảnh rải rác. Đọc tới đây gãy mất một răng cửa vì cắn phải sạn rồi. Tiếp theo không có một cái ảnh nào đúng là lomo được lấy ra minh họa cả, chỉ có ảnh chỉnh màu ngả vàng được nhét vào. Vỡ cả răng hàm. Đã không biết thì tìm hiểu, đã không tìm hiểu thì đừng thè lưỡi ra phát ngôn để thiên hạ cắt. Sai. Rỗng.

Mới qua 21/06 có mấy ngày mà báo chí như thế này đây!

--

Thứ Tư, 25/06/2008 - 2:16 PM


Những teen mê “đi săn bắt con nghệ thuật”



Những “tay chơi” rất chất

“Đã xưa rồi những môi chúm chím, mắt mở thật to, chụp hắt từ trên xuống”, nhận xét của một nhóm bạn trẻ 9x khi hỏi về phong cách chụp ảnh của teen bây giờ. Trước đây, sắm một chiếc di động có chế độ chụp ảnh khoảng “2 chấm” trở lên là đã có thể có vô vàn kiểu ảnh nghịch ngợm, “chơi chơi” rồi post lên blog để chia sẻ với bạn bè. Các dòng máy di động chụp ảnh được teen ưa chuộng như K của Sony Eriksson vì có ống Carl-Zeis danh tiếng, hay bộ N-Serie của Nokia cũng là lựa chọn không tồi. Chọn một chỗ “yêu yêu” như góc quán cà phê, bên bàn học, trước gương, hay bất cứ chỗ nào thích là teen đã có thể “tự sướng” ngay được.

Nhưng trào lưu trên đã phải nhường chỗ cho một phong cách chụp ảnh mới, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm và sự đầu tư để mang đến những bức ảnh sắc nét hơn, độc đáo hơn và cũng chuyên nghiệp hơn. Minh Trang,17 tuổi, người mẫu nghiệp dư chia sẻ về những lần được các “tay máy” xì - tin rủ đi chụp ảnh: “Lúc đầu mình tưởng cũng chụp chơi thôi, ai dè các bạn chuyên nghiệp lắm. Máy ảnh số “dàn hàng”, có bạn lo make-up, bạn lo dựng cảnh, rồi stylist (tạo dáng cho mẫu), không khác gì một ê-kíp đang làm việc.

Hôm đó, cả nhóm “quần thảo” ở khu vực ga Gia Lâm, vài ngày sau những tấm ảnh đầu tiên được công bố làm mình sốc lắm. Vì nó rất đẹp, từ độ sắc nét, ánh sáng đến bố cục. Không chỉ bạn bè mà bố mẹ mình cũng ngạc nhiên trước cách chụp của các bạn”.









Vài tấm ảnh trong album của nhóm Fly with Photograph (S.H Group)

Nhóm chụp ảnh của Trang chỉ là một ví dụ nhỏ về cả một cộng đồng đam mê nhiếp ảnh và muốn chụp ảnh chuyên nghiệp. Mặc dù không tham gia bất cứ một khoá học nào về nhiếp ảnh, nhưng thông qua diễn đàn, và nhất là kinh nghiệm tự trau dồi với phương châm “trăm hay không bằng tay quen”, “cứ chăm đi bắn thật nhiều khắc lên trình” các bạn trẻ tạo ra một luồng gió mới với bộ môn nhiếp ảnh. Nhiều bức ảnh được chụp bởi các “tay máy” 9x khi được chia sẻ trên mạng đã khiến nhiều anh chị chụp ảnh chuyên nghiệp phải trầm trồ.

V.Hiển (25 tuổi, phóng viên) cho biết: “Các bạn teen chụp nghiệp dư có thể dùng bất cứ loại máy nào nhưng đa số là những máy point n shot nhỏ gọn của Sony, Canon, Nikon, Fuji… Những dòng máy này tuy chưa thay được ống kính nhưng cũng đảm bảo cho các bạn chụp ảnh có yêu cầu trung bình. Khoảng 500đô la là các bạn có thể sở hữu 1 máy DSLR cùng 1 ống kính trung bình để “đi săn bắt con nghệ thuật”.

Khi đã có máy rồi là đến công đoạn tìm địa điểm, mẫu và lên ý tưởng cho bộ ảnh. Thảo Vân (19 tuổi, V.Đ) đã tham gia nhiều bộ ảnh với vai trò tạo mẫu chia sẻ: “Bọn mình xác định chụp để thỏa mãn đam mê chứ không vì một lý do cá nhân hay thương mại nào, nhưng bọn mình đầu tư, chăm chút cho nó hết mình để nó phải là một cái gì đó ghi dấu ấn của cả nhóm. Có thể là một cô gái đang vật lộn với cuộc sống để tìm ra ý nghĩa thật sự của hạnh phúc, hoặc là một chàng trai mắc chứng bệnh trầm cảm cần đến sự quan tâm của bạn bè, những trăn trở băn khoăn khi bạn tìm con đường riêng cho sự nghiệp…

Từng góc chụp, diễn xuất, thần thái của người mẫu đều không bị bỏ qua. Mỗi một bộ ảnh hoàn thành là bọn mình chia sẻ với bạn bè để rút kinh nghiệm, tìm thêm những cảm hứng mới cho các bộ ảnh sau.”.

Lomography - Những người “lọ mọ”

Thay vì đứng trước ống kính, và tổ chức thành một nhóm đi chụp ảnh là những bạn thích “solo”, dùng những dải màu của mình đề nhìn về cuộc sống, cuộc sống xung quanh và cuộc sống của chính bản thân mình.

“Một mình một “súng”, tớ có thể lang thang mỗi buổi trưa hè, “săn” những giọt nắng đang nhảy múa trên một ô cửa nhỏ xinh khuất trong một con phố cổ Hà Nội, hay một cụ già cười móm mém đang phơi chiếu, từng tốp em bé thả diều vào một chiều nắng gió trên Hồ Tây… Tất cả đều là những khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc sống mà tớ muốn lưu giữ lại”, M.Hải (21 tuổi, MTCN HN) tâm sự về những bức ảnh đã cho cậu cảm nhận về cuộc sống và gắn bó với niềm đam mê khó dứt này.

Chụp được tấm ảnh ưng ý đã tốn nhiều công sức mà việc giữ gìn, bảo quản máy móc sao cho tốt cũng rất quan trọng. Trọng Thái (19 tuổi, T.P) rất sáng tạo trong việc bảo quản chiếc máy ảnh của mình: “Máy ảnh số kỵ độ ẩm và va đập, nên khi “tác nghiệp” bạn phải có một chiếc túi đeo đủ êm để tránh ảnh hưởng đến máy. Còn khi để tại nhà, tốt nhất là nên có một chiếc tủ chống ẩm và ẩm kế đi kèm, tuy nhiên loại này đắt nên mình mua hộp đựng thức ăn bằng nhựa to và doăng cao su thay thế. Đổ vào đó một chút hạt chống ấm (Silica Gel) có thể mua dễ dàng ở các cửa hàng hoá chất, chỉ cần 225 g SG là đủ, nếu nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của máy”.


Thể loại ảnh “Lomography” (chưa có từ tương đương trong tiếng Việt) là phong cách chụp ảnh tự do, không có sắp xếp, bố cục, những tấm ảnh hoàn toàn được chụp ngẫu nhiên được nhiều bạn trẻ “chuyển ngữ” thành “nhiếp ảnh lọ mọ”. Lọ mọ chọn máy, lọ mọ đi tìm từng góc cạnh của cuộc sống để bất ngờ “chộp” lại những hình ảnh chân thật, có thể sẽ không gặp lại lần thứ hai.

Và có cả những niềm đam mê nhiếp ảnh nối dài từ đời ông, đời bố đến cậu con trai lại “tập toẹ” vớí máy ảnh cổ. V.Hùng được ông nội và bố “nhượng quyền” sử dụng chiếc máy ảnh Nikon FM2 cùng những bài học vỡ lòng của một “tay chơi” nhiếp ảnh: “Bố mình thì luôn dặn nên tận dụng ánh sáng tự nhiên mọi lúc mọi nơi, cùng lắm mới phải sử dụng đèn flash và những nguyên tắc cơ bản của bố cục ảnh. Còn ông thì dạy mình điều khiển lên phim, lấy nét, chỉnh tiêu cự hoàn toàn bằng tay.

Mình thích máy ảnh phim vì thực sự chưa có một máy kỹ thuật số nào có thể chọn ra một bức ảnh có độ nét sâu và màu thật như máy phim. Mình hiểu để có thể gắn bó với nó là rất gian nan vì từ tốn tiền phim, bảo quản phim lẫn máy, rửa, tráng ảnh đều phải học hỏi và đầu tư thời gian, công sức nhiều”.


Bắt đầu với những tấm ảnh tự nhiên, sắc nét, chân thực về cuộc sống hay những bộ album đầu tư công phu, độc đáo, các bạn trẻ đều được thoả mãn niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh. Sau mỗi khoảnh khắc bấm máy, là biết bao cảm xúc được ghi lại, là biết bao câu chuyện hay không cần kể bằng lời.

Ly Vũ

--

Ly và Vũ, hình như cả thảy hai mình, mà làm ăn hay ho nhỉ!


Friday, June 13, 2008

Vịt bầu




(Dành cho các tình yêu đã ngọt ngào hỏi bạn Mây đi đâu suốt hai tuần )

Cái chai syrup này sau hai ngày đầu tiên đã hết veo, mặc dù bác sỹ bảo mỗi ngày cháu gái nhỏ nhẹ uống ba lần, mỗi lần 5ml (một vạch) thôi. Mấy chú kiến khi đánh hơi được mùi mật ong viện quân chạy đến thì đã tiệt không còn giọt nào.

Mình, sau bao nhiêu thuốc nước thuốc viên, vẫn sở hữu một chất giọng khàn đáng giá bộn tiền đấy các tình yêu ạ. Mình đang đắp chăn nằm xoài ở nhà, các tình yêu đầu tư đi không thì hàng mất giá, tiền còn mất giá tợn hơn.


Friday, May 30, 2008

Kẻ cắp càn

Những kẻ ăn cắp là những kẻ thất bại. Những kẻ ăn cắp, không sửa sai mà còn nói càn là những kẻ thất bại toàn diện.

Đừng chọc tức mình vào lúc mình không vui, huống chi dính đến tác quyền thì kể cả lúc vui mình cũng phẫn.

http://vn.myblog.yahoo.com/caigidense-phaiden/gallery





Bạn nào biết cách tải ảnh từ Flickr xuống, trong khi ảnh đã được để ở chế độ không ai có thể tải được và không có nút "All sizes" để đi vào trang download, thì làm ơn khai sáng cho mình. Vụ này mình sẽ đi đến cùng.


Monday, May 26, 2008

Tản mạn: Hai thành phố

Part


1. Tôi lại rời Hà Nội trong buổi chập choạng tối của thành phố. Hà Nội đầu hè, trời vần vũ mây xám và đe dọa thả những cơn dông xuống nhấp nhô nóc nhà. Chớp vẽ lên nền trời chằng chịt các đường gân trắng sáng. Hàng dòng xe luồn lách chạy mưa, như nước chảy qua khe đá, vội vã như có hẹn. Tôi ngồi trên xe, nghe giọng đọc truyện của đài phát thanh, và nhìn ra các ngôi nhà bốn năm tầng dọc bờ đê sông Hồng. Sao mâu thuẫn thế. Giọng đọc vẫn cổ cổ cũ cũ như thời tôi còn bé đã nghe, khiến người ta liên tưởng tới phong thái sống của văn hóa làng xã, mà cảnh ngoài cửa xe lại mang dáng vẻ bon chen của con người trong thời kỳ nhảy (nhảy chứ không phải đi) từ đói kém lên kinh tế thị trường. Các vườn quất vườn đào không còn, ao làng đình làng cũng không còn, chỉ còn sông Hồng và những ngôi biệt thự một ánh đèn. Nhà to để làm gì khi cả gia đình chỉ có nhu cầu tụ lại ở một phòng? Chẳng ai giải thích được, đôi khi đơn giản chỉ là không ai muốn làm cái đe, ai cũng muốn làm cái búa.

2. Sài Gòn tắc đường liên tục. Tôi được chở qua những ngõ ngách để tránh các đoạn tắc, mà ngõ ngách cũng đông. Người người gò lưng phóng, xe xe chạy vùn vụt như thể sợ ai khác biết được lối thoát tắc này. Đứng ở các ngã tư, tôi có thời gian nhìn ngắm thành phố. Tôi thấy nhiều chung cư giống như nơi tôi đang ở, cao, sáng trưng đèn cầu thang, và ít đèn trong nhà. Người Sài Gòn sống về ban tối, sống với bạn bè, và sống bên ngoài ngôi nhà của họ. Thỉnh thoảng mới gặp những con phố rải rác các ngôi nhà xây theo kiến trúc thực dân xưa. Nhìn vào nhà cửa đã thấy cả hai thành phố cùng phát triển nhưng theo hai hướng khác nhau, Hà Nội mang tính cá nhân, Sài Gòn mang tính cộng đồng náo nhiệt. Tôi không rõ mình thích kiểu nào hơn.

3. Hà Nội năm nay nóng muộn. Đã cuối tháng Năm mà trời vẫn có hôm man mát như mùa thu. Tuy thế, nơi nào ít cây cổ thụ, phượng hứng toàn bộ ánh nắng mặt trời, không trổ thêm lá nữa mà chỉ nở hoa. Hoa đỏ rực cả cây, như một vạt vải điều khổ rộng phủ lên các tán xòe ra. Dọc phố Kim Mã là hàng trăm cây bằng lăng. Từng cành hoa nhọn chĩa thẳng lên trời, tím phớt có, tím đậm có. Vẫn là những cánh hoa mỏng manh. Nơi tôi ở cũng có bằng lăng dọc lối đi bộ, không hoa, chỉ có lá sâu. Tôi không chụp những phượng những bằng lăng rực rỡ sắc hè ấy, tôi sợ có thêm một nỗi nhớ.

4. Sài Gòn có những bông sen hồng, nhỏ nhắn thôi và trông tinh nghịch, nhanh nhẹn, như con người nơi đây. Những bông đã nở to, người ta xếp cánh hoa lại thành hình tam giác, các hình tam giác màu hồng chồng lên nhau, và tôi nhớ tới kiến trúc của Esplanade ở City Hall. Tôi chụp hoa sen, nhiều lắm, vì cách họ làm chúng trông lạ. Tôi không sợ mình sẽ nhớ như nhớ hoa Hà Nội, vì cái gì mới thì sẽ chỉ làm người ta bỡ ngỡ thôi.

5. Các hàng quán ở Hà Nội bất cần đời, người ta ra thành thị học nghề nhưng không tiếp thu được cách ăn nói gói mở của người buôn bán ở Hà Nội xưa. Quán xá ở Sài Gòn, từ hàng vệ đường cho đến hàng lớn, đắt hơn và đon đả hơn. Ai đó nói với tôi rằng đắt hơn thì dĩ nhiên lịch thiệp hơn rồi, nhưng kể ra tôi sẵn sàng mua dịch vụ tốt thì ở Hà Nội cũng không có mà bán.

6. Ai ở Hà Nội lâu năm cũng đều nói chuyện theo kiểu nói một hiểu mười, nhiều khi chẳng biết hiểu theo nghĩa nào thì phải. Người ta dè dặt với nhau vì sợ có khi mình bị "chửi khéo" mà cũng không biết. Đến một cơ quan ngồi một hôm thì sẽ rõ, chuyện thoạt nghe thấy ôi sao đời thường thế mà một lúc lâu sau mới hiểu các cô chú đang xiên nướng nhau vì cái gì. Nói và nghĩ, nghĩ và nói, thường xuyên và mệt mỏi. Sài Gòn rộn rã, không phải người ta không có thâm ý, nhưng người ta ít thâm ý hơn và ít có xu hướng thể hiện chúng một cách phức tạp hơn. Nói to, nói thẳng, mà vẫn đủ dạ thưa. Thời đại này kiếm đâu ra thời gian ngồi phân tích một câu xem người nói có ý gì nữa, mặc dù một số lễ nghi xã giao cổ của người miền Bắc tôi vẫn ưa.

7. Dọc đường bay tôi nhìn ra cửa sổ là thấy trăng. Trăng không tròn và sáng nhưng trời quang nên có lẽ ai ở dưới cũng nhìn thấy được. Người ở Hà Nội thấy, người ở Sài Gòn thấy, tôi ở trên trời cũng thấy. Chỉ có chúng tôi không nhìn thấy nhau. Tôi nhìn trăng như để nắm giữ một mối liên hệ với những con người ở cả hai thành phố tôi đã gặp mặt. Trước tôi có nói tôi yêu đơn phương Hà Nội, mà bây giờ tôi cũng trót có cảm tình với Sài Gòn mất rồi. Không còn trọn vẹn nữa, cũng như chiếc lá kia, một phần yêu mến tôi gửi lại Sài Gòn.

Sunday, May 18, 2008

Sài Gòn

Mình thích Sài Gòn hơn là mình đã tưởng. Yêu nụ cười và giọng nói của những người bạn mới và lâu năm, thích cafe Nếp, muốn bê một cây "chò Sài Gòn" (cái tên này vẫn còn đang được đặt trên bàn tranh luận) cao vút ra Hà Nội, à không, sang Singapore.

Mình bán mặt cho đường suốt gần hai ngày nên cháy đen thui thủi các bạn ạ. Đây là bức ảnh hiếm hoi được chụp cho lúc chuẩn bị bay ra Hà Nội, không phải ảnh "làm hàng" đâu vì mình bị mắng là không có khả năng diễn. Vì sao ngước lên à? Vì khi ấy phát hiện trên nóc Bưu điện thành phố có một cái tổ chim ạ. Các bạn đừng bình luận mẫu, luật của ảnh chân dung đấy .

IMGP6133

Monday, May 12, 2008

Blast

Hôm nay bạn Cờ Lê viết hẳn một bài dựa trên blast "Today is the past of tomorrow. Why nostalgic should things change?" của bạn Mây; bài viết phản ánh đúng thực tế của những bạn gái "bé bỏng" sống xa nhà nhưng lại mang tính chất tích cực (điều không thường xuyên lắm xảy ra với những thành viên câu lạc bộ than thở của chúng mình). Bạn Mây phải xin phép sao chép lại đây, sau này nhỡ chán đời còn quay lại đọc.

---
Reminiscence

Hôm nay đọc được câu này trong blog của bạn Mây, làm bạn Huyền thấy yêu đời hẳn đấy! Cảm ơn bạn Mây nhiều nhá! Bạn Mây viết thế này này "Today is the past of tomorrow. Why nostalgic should things change?" Thế mà đọc xong làm bạn Huyền tinh thần thoải mái hơn hẳn, vì đã tự tìm được câu trả lời cho mình!

Mình tự nhận mình là người hay hoài cổ. Nhưng phần lớn những lần hoài cổ là chỉ hoài cổ khi có 1 mình mình, hoặc chia sẻ với 1, 2 người bạn cực thân thôi. Người ta thường hoài cổ về những niềm vui trong quá khứ, khi hiện tại có thể không bằng cái quá vãng đó! Bạn Huyền thì khác, bạn Huyền luôn cố tránh điều ý để cho mình sống mạnh mẽ và yêu đời hơn! Với mình, hoài cổ là để nhắc mình rằng mình vẫn còn nhớ tới những thứ đẹp đẽ đó, để duy trì ... và để nhắc mình rằng mình vẫn là mình- biết nhớ, biết trân trọng những gì đã qua. Đôi lúc, quên với mình là một cái tội. Khó hiểu quá nhỉ?

Thế mà....

Thế mà...

Hai hôm nay bạn Huyền lại bị rơi vào trạng thái hoài cổ mà mình luôn tránh ý! Ấy là khi tay chân luống cuống, đầu óc ngập tràn công việc. Về được tới nhà thì roomate bị ốm mà mình còn không biết tẹo nào. Hôm mình ốm, roomate nấu cháo cho mình. Còn giờ mình thì về tới nhà khi roomate đã ngủ mất rồi....Rồi thì bạn Huyền cáu khi ai đó gọi ở Y!M mà cứ dài dòng mãi không nói vào vấn đề. Bạn Huyền lại nghĩ, lại mơ về ngày xưa....vô lo , vô tư để có thể chu đáo và cười tươi hơn với nhiều người. Rồi bạn Huyền lại mơ giá được ở gần gia đình, ở gần bạn bè...Chắc hẳn 1 ngày và nhiều ngày sẽ sáng hơn rất nhiều khi được ở cạnh những người thân của mình. Cứ miên man suy nghĩ ...để thấy mình thật kém. Nghĩ được là không nên vậy, mà lại vẫn vậy. Đã ai vào trạng thái ấy chưa? Ủ ê vô cùng...

Đấy, thế mà giờ đọc được blash của bạn Mây, bạn Huyền cứ thấy như là 1 sự chia sẻ đầy tình cờ đấy!

Hì, thế lại là thêm 2 khái niệm cần phân biệt rồi : Reminiscence vs. Nostalgia
Hi vọng khi nào có thời gian sẽ bàn về 2 khái niệm này!

À, hôm nay đi làm mình có 1 phát hiện rất hay nhé! Có vẻ như nếu có 2 cánh cửa "Push" và "Pull" thì người ta có xu hướng "Push" nhiều hơn "Pull" ( à, đây là tính trường hợp khi mình đi 1 mình. Chứ đi cùng với các anh gallant thì phải Pull là chắc rồi ) Tại sao lại thế nhỉ -- có suy ra đựợc tâm lí gì của con người ko nhỉ? (ờ ờ, cấm bàn việc tốn và ko tốn sức ở đây nhá!)

Viết ra vài dòng khi đầu óc lủng củng nhiều suy nghĩ!

Lại nghe " Superman"

---

Saturday, May 10, 2008

Mất điện thoại

Thế là bạn Mây của các bạn bị mất điện thoại các bạn ạ. Thật là chối tỉ, tréo ngoe, trái ngang, đau khổ. Đừng hỏi mình làm mất hay là bị lấy mất vì mình không nhớ gì cả. Nhìn chung là ăn uống chơi bời xong định gọi điện khoe thiên hạ thì thấy là nó không ở trong túi. 11 rưỡi đêm mình lập bập ngáp ngáp đứng viết bản tường trình ở tầng 6 của cái cửa hàng có danh tiếng 150 năm tuổi lung linh ấy.

Đừng bao giờ khuyên mình chuyển về sống ở chốn thành thị nhá, lắm người nhiều ma. Vùng bùn lầy thanh vắng của mình chỉ toàn người tốt như mình thôi, ai lại thế.

- Em mất điện thoại rồi!
- Theo anh biết thì đây là lần thứ hai từ khi anh quen em nhỉ?
- Lâu chưa nhỉ?
- Mới có một năm rưỡi em ạ.
Thế là hình như cứ đều đều thì một năm rưỡi mình mất điện thoại một lần các bạn ạ. May mà hôm nay không mang theo máy ảnh, mất anh Canon thì chắc mình sẽ ngủ đêm ở General Hospital.

Tức thì không tức đâu vì đây là hậu quả của các loại bom: mất ngủ, ngủ muộn dậy sớm, nghĩ nhiều nhưng lung tung, háo hức vớ vẩn, căng thẳng áp lực, blah blah... Được cái này mất cái kia vốn là lẽ đời. Mình chỉ ấm ức vì bao nhiêu tin nhắn lưu giữ suốt từ khi chuyển qua Starhub đến giờ thế là thành mây khói hết. Đấy, giận là giận ai đã lấy đi một trong vài cái hay hay đáng quý mà mình thích tích cóp.

Các bạn ở Singapore, các bạn ở Hà Nội, các bạn ở Sài Gòn, và các bạn ở đẩu đâu làm ơn cho mình xin lại số điện thoại với. Nhắn mình trên YIM hoặc 360Mail hoặc FlickrMail hoặc Yahoo! Mail. Mình yêu các bạn và ghét ma.

Friday, May 9, 2008

Già rồi, ngồi tiếc trẻ

Rất là buồn tình, già rồi ngủ ít, sáng sớm gà gáy không ngủ được tự nhiên mình cứ muốn được hát hát hò hò như ở giữa sân vận động trường hồi xưa.

Bỗng nhiên thấy rõ là đã qua cái thời 1am nổi hứng là leo cầu thang thoát hiểm lên tầng trên có người chặn sẵn cửa bằng chiếc giày đá bóng và sẵn sàng đệm đàn cho hát.

Chẳng còn cái thú 4am đùng đùng lôi kéo mấy tên ra đài phun nước PGP ngồi nói chuyện, bàn về các chương trình của Red Cross, ngửa cổ cãi nhau xem điểm sáng nào trên giời là vệ tinh chứ không phải sao giăng gì cho đến khi quá mỏi không gật đầu xuống được, và vô tư gặm cà rốt sống đợi sáng với phương châm ăn rau quả thì thức khuya da vẫn đẹp (tất nhiên sai).

Cũng không còn trò chiếm chỗ ở các phòng đọc (reading rooms) để học thi, ngày gối đầu lên sách ngủ ngon lành, đêm kéo đệm sofa xuống sàn đắp báo lên người ngủ tiếp (chứ dân tình đều dứt khoát không chịu lên phòng riêng đi ngủ để chứng minh tinh thần học hành quyết chiến), và trò cầm bút chì trèo lên bàn chọc chọc vào cái máy điều hòa không nút điều khiển trên trần nhà để bật tắt khi quá nóng quá lạnh.

Suốt hai năm nay cứ thấy nhẹ nhõm vì nhờ giời mà mình được cho phép tốt nghiệp, nhưng mà bây giờ đôi khi nhớ thời sinh viên quá cơ. Mò mò một lúc mình tìm ra được bài hát này, thu ngày sinh nhật năm 2005 ở phòng anh Hiếu Idol. Anh Hiếu lúc nào cũng thế, đệm đàn như đĩa cho vào máy là chạy, êm ru. Anh Hiệp mắt nai đi đá bóng xong ngại về tắm, chạy qua nằm hát nghêu ngao, không biết tiếng mình đang bị thu. Bạn Mây mập của các bạn vẫn bị bệnh lệch nhịp muôn thuở, cũng chẳng cần để ý có phát âm chuẩn chưa. Còn nghe được tiếng tiếng ổ đĩa máy tính rởm của anh Hiếu quay kêu chít chít. Cái thời đơn sơ, đơn giản, tự nhiên, tự do - ôi lúc sướng không biết đường sướng.



Tags: recording



Saturday May 10, 2008 - 03:19am (SGT)


Tuesday, May 6, 2008

"Anh" Mây & các em




Tình hình là dạo này có một số em gái 9x yêu bộ môn câu cá muốn làm quen với "anh" May. Các em nhìn đôi dép tông và chiếc máy ảnh ở nền nhật ký điện tử trên mạng (blog), các em nghĩ May ắt hẳn là phái mạnh, theo ngôn ngữ học thì động từ tả anh phải chia ngôi thứ ba số ít và không phải giống cái, và cao hơn có lẽ các em nghĩ anh May vừa đẹp trai, vừa sâu lắng tình người, vừa múa máy thần tài như Triển Chiêu. Khung nhật ký có màu hồng cánh sen, thế mà các em cũng đủ nhạy cảm để nhận ra anh là hiệp sỹ chứ không phải công chúa.

Các em trắng trẻo, trẻ khỏe, chụp ảnh kiểu nữ sinh Nhật - tức là mắt trợn to, mũi chun lại và môi mím phụng phịu, không xinh thì ít ra cũng dễ thương khiến anh muốn béo má một cái - gửi anh May những lời nhắn nhủ cũng phụng phịu như môi em. Cái thứ tiếng Việt âm tròn âm méo, ngọng ngọng ngố ngố - "hem ngờ", "hay nắm", "anh ná", "anh oy" - anh đọc mà thấy mình y như Trần Quốc Toản sắp vắt cam.

Xong anh nhớ ra anh mới có chiếc máy xay, anh không cần vắt, nên anh lại thả lỏng bàn tay. Anh hít hà kiểu yoga để tĩnh tâm, và anh gõ vài lời nho nhã gửi các em gái để các em hiểu là người đi câu cần phải chọn hồ.


Thursday, May 1, 2008

May

Blue blue blue


Vậy là qua một ngày đầu tháng Năm. Nhân tháng này có tên giống tên Mây, và nhân dịp trời nóng không chịu mưa cho (hai cái nhân dịp hơi hơi có duyên, mình biết!), mình đăng bài thơ thuộc phần đọc thêm trong chương trình Văn học lớp 6 thời chưa cải tổ - "Mây và sóng" (Tagore Rabindranath) - thay cho việc mặc khố và đứng lập đàn cầu mưa như truyền thống.


"Mẹ ơi, kìa ai đang gọi con trên mây cao.
Họ bảo: "Chúng ta vui chơi từ tinh mơ đến hết ngày
Chúng ta giỡn với sớm vàng rồi lại đùa cùng trăng bạc"
Con hỏi: "Nhưng mà làm thế nào tôi lên trên ấy được?"
Họ trả lời: "Con hãy đi đến hết cõi đất, rồi giơ tay lên trời con sẽ bay bổng lên mây"
Nhưng con nói: "Mẹ tôi đợi tôi ở nhà, tôi có lòng nào bỏ được mẹ tôi"
Họ bèn mỉm cười, và lửng lơ họ bay đi mất
Nhưng con biết trò chơi còn hay hơn của họ
Con làm mây nhé, mẹ làm mặt trăng,
Hai tay con ôm mặt mẹ, còn mái nhà ta là trời xanh

Mẹ ơi, kìa những ai đang gọi con dưới sóng rì rào
"Chúng ta ca hát sớm chiều, chúng ta đi mãi mãi, không biết là đi qua những đâu"
Con hỏi: "Nhưng làm thế nào tôi đuổi được theo bây giờ?"
Họ bảo: "Cứ đi, con cứ đi đến bờ biển, đứng im, con nhắm mắt lại, sóng sẽ cuốn con đi"
Con trả lời: "Nhưng đến tối mẹ tôi nhớ thì sao? Tôi làm thế nào rời mẹ tôi được"
Họ bèn mỉm cười, và nhảy nhót, họ dần đi xa
Nhưng con biết trò chơi còn hay hơn của họ
Con làm sóng nhé, mẹ làm mặt biển,
Con lăn, lăn như làn sóng vỗ, tiếng con cười giòn tan vào gối mẹ
Và không ai trên đời này biết được mẹ con ta đang ở đâu!"


(Bản dịch bởi Nguyễn Đình Thi)

---

Thời trước đọc bài thơ này mình không bao giờ nghĩ ông Tagore là người Ấn Độ, và cứ thế tưởng tượng ông là nhà thơ gốc Âu (may mà không bị kiểm tra tiểu sử) và trong thơ là một em bé da trắng tóc xoăn màu nâu. Bây giờ đi tàu nhìn các bạn gốc Ấn to khỏe, khi tàu chật thì bạn trai ngồi còn bạn gái phải đứng, càng không thể liên hệ được với ông Tagore và em bé này. Thời xưa xã hội khác, hay ông Tagore khác, hay cái gì chui vào thế giới nghệ thuật cũng phải khác?

Mai lại phải lên tàu.

Tuesday, April 29, 2008

Mưa đi ạ

"Mưa
Sắp mưa
Sắp mưa

Những con mối
Bay ra
Mối trẻ bay cao
Mối già bay thấp
Gà con rối rít
Tìm nơi ẩn nấp

Ông trời mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành quân đầy đường
Lá khô
Gió cuốn
Bụi bay cuồn cuộn
Cỏ gà rung tai
Nghe bụi tre tần ngần gỡ tóc
Hàng bưởi đu đưa
Bế lũ con đầu tròn trọc lóc
Chớp
Rạch ngang trời khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân khanh khách cười
Cây dừa sải tay bơi
Ngọn mùng tơi nhảy múa

Mưa
Mưa
Ù ù như xay lúa
Lộp bộp
Lộp bộp
Rơi
Rơi
Đất trời mù trắng nước
Mưa chéo mặt sân
Sủi bọt
Cây lá hả hê

Bố em đi cày về

Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa."

(Trần Đăng Khoa)


Bài thơ nhiều đứa trẻ con (thuộc thế hệ mà đến giờ quá tuổi dập dìu vẫn chưa biết quan niệm xì tin xì tủng là gì) thuộc lòng từ tuổi mẫu giáo. Thơ thì hồn nhiên trong sáng, người đọc thì bôn như thế, nên đã thuộc rồi thì lớn lên, xong già đi, cũng không thể quên. Chủ đề tư tưởng rút ra: trời đẹp là trời phải như thế này này!

Mấy hôm nay lẩm nhẩm mãi mà trời không chịu mưa, báo hại con gái càng lẩm nhẩm thì càng nhớ bố. Nóng gì mà nóng dai thế. Tóc tai khô hết cả, lấy tay xoắn đuôi tóc một cái là đuôi xoăn cứng đơ luôn, bỗng dưng lại có quả đầu chim sẻ.

Xì, chẳng ở đâu mà mây lại phải đi xin mưa chứ không cho mưa được thế này. Nếu giời mưa thì cháu tình nguyện đi cày bằng giày cao gót, vừa cày dưới mưa rây gió giật vừa đeo kính vừa hát cũng được. Chứ tối tối cứ lại phải túm chặt tóc rồi bò lồm cồm xuống đất để ngủ thế này à?

Thursday, April 10, 2008

Tuyển người mẫu

Tình hình là Singapore hết chỗ để chụp rồi. Mình lượn lờ các công viên nhiều gần mòn vẹt đường - mặt mũi bặm trợn, chuyên chụp ảnh trẻ con - rồi thành ra nhẵn với nhiều người hay đi vườn hoa, phụ huynh thấy mình là hình như kéo tay con lảng mất ạ.

Mà quan trọng là nếu có người mẫu mình đã không vất vả thế. Chẳng ai chịu gật đầu vừa làm người mẫu vừa làm chân bê đồ lề cho mình (đồ nhẹ lắm, chỉ hơi lỉnh kỉnh tý thôi) -- tay máy mà phải xách túi thường, túi máy, túi chân máy, chưa kể ô, điện thoại, tai nghe, khăn lau ống kính... là thế nào chụp cũng rung ý. Có hôm mình cũng có người mẫu rồi cơ đấy, mà mình giơ máy lên thì mẫu lại nhún nhún kêu ngượng. Ơ. Rồi thì nhất quyết không cho chụp. Ơ nữa.

Ai ơi, ai chịu đi với mình thì mình thề thốt sẽ cố gắng chọn góc gợi cảm để ai có ảnh lừa tình kiểu thế này:


Sometimes

Người mẫu ảnh: Già


Không chơi với ai mà trước hôm đi chụp giặt hết quần áo xong hôm sau mặc thiếu vải đâu ý. Ai chịu làm mẫu cho mình thì ới mình, nhá nhá .

Tuesday, April 1, 2008

Tản mạn: Khi nào thì no?

Sáng thứ hai đầu tuần, mắt trái nhắm, mắt phải mở một nửa, bạn Mây bật máy lên và đọc phải những dòng này:

"Thịt rang.
Hehe, mẹ tớ đang rang thịt cho cháy cạnh. Thơm nức mũi, lại còn cả cái màu vàng ruộm nữa chứ.
Thịt rang cháy cạnh mà ăn với rau mùng tơi nấu mướp nhỉ?
Cả lạc rang tớ cũng thích.
Nghe cái chữ "rang" nó mới ngon làm sao!!! "

Đây là những câu độc ác nhất mình từng đọc - ác từ câu chữ cho đến thời điểm. Trong đầu lập tức liệt kê danh sách một bàn ăn lung linh những món như thế này: thịt rang cháy cạnh (mà không cháy cũng duyệt), canh mùng tơi với mướp, mấy quả cà thật già, vài cọng dưa muối còn hơi xanh, nước mắm ớt chỉ thiên, tép rang khế, đậu phụ rán... Thế rồi giấc mơ vào cái buổi nửa trưa nửa sáng chỉ bay quanh đĩa đậu phụ rán, mà nói đến đậu phụ là phải nói đến mắm tôm, mà từ mắm tôm thì ra bát bún riêu. Mà đã vời sang đến bún riêu thì thôi rồi...

Sự căng thẳng và đấu tranh tư tưởng gay cấn về một bàn thịnh soạn ấy tạo thành một tiêu chuẩn đánh giá bữa ăn, và bữa trưa hôm qua làm mình đầy thất vọng. Trưa nào thì việc ăn cũng như đánh vật thôi, nhưng hôm qua vật bị thua ạ, chỉ vì tiêu chuẩn bữa cơm Việt Nam cao quá!

Sự gay cấn còn chạy sang đến tận hôm nay, làm trời chiều tối mưa gió ùng oàng bạn vẫn dép guốc lọc cọc đi làm về ghé mua bằng được mớ rau mùng tơi. Bữa tối hỉ hả - một bát canh mùng tơi nấu với tôm khô thật lớn (có khi gọi là chậu canh thì sát với thực tế hơn), và "Friends". Đừng hỏi mình ăn thế làm sao no được. No là ở tinh thần ấy.

Cuối tuần này, nếu mà không bị lôi kéo ra khỏi nhà, thể nào cũng phải có thịt rang cháy cạnh, nước mắm ớt, và đậu phụ rán. Đậu phụ...

Một số kinh nghiệm được rút ra là:
1. Không đọc blog khi không ở cạnh bếp với xoong chảo trên hai tay và lò đã nhóm.
2. Không đọc blog của người Hà Nội.
3. Không đọc blog vào sáng thứ hai.
4. Không đọc blog khi đói.
5. Xem lại bốn điều trên.
6. Nhẩm lại điều 5 mỗi tối trước khi chui vào hang đi ngủ.
7. Không đọc blog.

Lời của chủ bút những câu độc ác: "Em chỉ định làm đau lòng một vài zai, hic, vô tình làm đau lòng cả các gái ở xa nữa." Bạn bè kích nhau học tập làm việc tấn tới thì tốt, còn kích trên phương diện ẩm thực này là kích động, tức là kích để cho bạn manh động. Mình suy xét thấy rất là không nên.

Đói. Cuối tuần sẽ có đậu phụ. Ơi đậu phụ... Thôi ngất đây :((.


Monday, March 24, 2008

Wednesday, March 19, 2008

Tản mạn: Khi các mạch điện chập

Starbucks 4610 - bw


1. Tôi lại bắt đầu với các luận điệu một hai của mình. Những lúc cảm thấy áp lực và không tiện chia sẻ, tôi thường chọn cách đi chụp ảnh để khuây khỏa, và nếu không may tình huống rơi vào lúc trời tối như thế này, ngồi viết ra một thứ gì đấy, có khi chẳng liên quan và cũng chẳng có nghĩa, không phải là một giải pháp quá tồi.

2. Thành phố với những tòa nhà cao để ta phải nhíu mắt mỗi khi đứng dưới đất ngước lên đã trở nên cứng nhắc. Mỗi ngày tôi đều đi bộ hai lần qua công viên nối giữa tòa nhà cơ quan và ga tàu điện ngầm; tôi đã chọn con đường trên mặt đất thay vì đường hầm dài nửa cây số với những dãy cửa hàng loang loáng đèn điện sang trọng để được nhìn một thứ đơn giản - ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên cái gọi là tự nhiên ở đây thực ra không tự nhiên lắm. Tôi bước trên nền gạch lát đá đều tắp, đi cạnh hồ phun nước có nhiều ống đan xen chằng chịt bên dưới, và dạo nhanh dưới hai hàng cây với những cành lá vừa nhú ra khỏi thân chính đã uốn lên trên để được vươn cao thẳng tắp.

Dường như dáng của những tòa nhà chọc trời màu xi măng cao vút, những cái bóng đổ xuống sắc cạnh trên mặt đường nhựa ào ạt những xe, và những cành cây khẳng khiu như thế đã truyền sang cả sinh vật. Chim sáo chân vàng không biết uốn mình, cò trắng lênh khênh vô cảm giữa ngã tư đèn đỏ, và con người ta trong bộ đồ công sở vẫn cố đứng thẳng dưới cái nắng chói chang của buổi sáng. Tất cả đều như thể sợ rằng nếu hơi cong một chút thì ta sẽ không hòa vào không gian vật thể chung quanh.

Lọt thỏm trên băng ghế giữa một toa tàu chật ních người nhíu mày ưu tư và ngủ gật, tôi chỉ mong được ngồi trên ghế mây tre bên cửa sổ, chân gác lên thành bàn, lưng chùng, đọc một quyển truyện mùi mẫn, nhấp ngụm nước mát và hít thở một bầu không khí không phải điều hòa.

3. Tôi nhớ nhà. Có những lúc nhìn cái gì người ta cũng liên hệ tới một thứ - nhà. Người ta thường gắn nhà với cái gì đấy - nhà là nơi có những vật ta quen dùng, nơi có gia đình, nơi có kỷ niệm... Tôi không nghĩ nhà chỉ là thế. Lớn hơn khái niệm nhà là một vật hữu hình, trong tôi đó là một khái niệm trừu tượng nhưng không mơ hồ. Nhà cho tôi cảm giác tôi thuộc về một chốn, cảm giác có cái mà bấu víu khi mất thăng bằng, cảm giác của một diễn viên nhào lộn luôn biết rằng phía dưới kia có một tấm lưới đỡ nếu anh ngã xuống. Xét cho cùng, sống theo bầy đàn là bản năng của con người, mà cảm giác thuộc về một nơi nào đấy là một nhu cầu cơ bản của sự sống.

Có người hỏi sao ngần ấy năm không thấy kêu nhớ nhà, bây giờ bỗng nhiên vậy. Có lẽ không tồn tại cái gọi là bỗng nhiên khi ta nói về tình cảm. Có lẽ ngần ấy năm mới đủ cho tôi hiểu một cuộc sống thế nào gọi là một cuộc sống tạm bợ, và một cuộc sống tạm bợ là cuộc sống không đẹp ở chỗ nào. Đó là trò chơi ú òa ta vốn biết, chỉ có nó được tính bằng năm, và cái được che giấu giờ đã bắt đầu lộ ra.

4. Trong những phút đáng ra phải là thiền tịnh sau buổi tập yoga, trong đầu tôi có hàng dòng suy nghĩ ồ ạt chảy qua. Tôi bỗng muốn tạm thời bỏ mọi thứ sang một bên để học một cái gì mới. Tôi thích cảm giác được học hỏi một môn mình say mê. Tôi nhớ cảm giác hồi bé khi đứng cạnh một chú thợ xây và xem chú trộn vữa - cát, xi măng, và một hồ nước nho nhỏ ở giữa, rồi từng xẻng, từng xẻng, với tiếng đanh giòn của sắt thép cà xuống mặt đường. Cũng là một nghệ nhân, theo ý non nớt của tôi bấy giờ. Đứng cạnh họ, tôi bỗng như người có hai tay trái, lóng ngóng và háo hức, cũng như mỗi khi tôi đứng cạnh mẹ ở trong bếp.

Giữa guồng quay ào ào, chỉ nghĩ về điều đó thôi cũng đủ để thấy thèm khát và thời gian như dừng lại vài phút. Bao giờ nhỉ?!

5. Nếu cho tôi một đêm tự do ở Hà Nội, tôi sẽ chọn được đi bộ giữa phố, sẽ không đi một mình như hôm nay ngày mai tôi đi làm, và sẽ thênh thang như một hôm nào.


Monday, February 11, 2008

Tản mạn: Một chuyến về

I saw you


1. Tôi mang theo trong hành lý cơn cảm lạnh của mùa đông rét buốt Hà Nội. Một cơn sốt bừng bừng trên máy bay, viêm họng, ngạt mũi, nước mắt chảy như khóc, tôi vẫn thấy vui vui. Chắc phải năm sáu năm rồi tôi mới có một cơn cảm lạnh, lại còn là cảm lạnh từ Hà Nội, chẳng phải là một điều mới mẻ đầu năm?

Xuống tới sân bay, 31 độ C, tôi không nhớ mình sốt, mà chiếm toàn bộ trí óc là nỗi nhớ cái rét co ro của buổi tối ở đầu ngõ. Tôi thích được đứng trong gió, dưới gốc xà cừ thật to ở vỉa hè phố nhà binh, nghe lá cây dày vỗ vào nhau lật phật, liếc những đuôi khăn len vút đi theo tiếng xe máy, nhìn những chuyến tàu từ mạn ngược rầm rập trở về ở đường ray trên cao qua ngõ Hàng Hương, và chờ bạn. Tôi chưa một lần chuyển nhà, cuộc sống của tôi từ khi sinh ra gắn với đầu ngõ ấy, vỉa hè ấy, con phố ấy. Tại đó, dù chỉ một hai câu chào hay là cả một chuỗi những lời tán chuyện không đầu đuôi và kết nối, tôi đều yêu.

Chưa có lúc nào trong vòng dăm năm trở lại đây tôi thấy giá trị của một cốc nước ấm. Đi từ ngoài phố rét tê mũi, tôi thèm ngửi mùi thuốc bắc nóng đựng trong chiếc cốc sành. Đi từ dưới tầng một lạnh tận vào trong xương, tôi thèm nhấp một ngụm rượu ngọt và nóng một người bạn pha mời. Hay đơn giản lắm, một tách trà Thái Nguyên thật đắng, thật nóng...

2. Hà Nội là câu chuyện của những con phố. Người trẻ tuổi khó mà hiểu về những con phố cổ. Tôi cũng không hiểu. Tôi chỉ cảm nhận và cảm thụ. Đó từng là một tập hợp các phố như phố Hàng Bút với quả bóng đỏ mắc trên cây bàng trọc một ngày Tết nào đó cách đây gần 20 năm nơi tôi bị lạc. Và giờ phố cổ khác rồi. Đó là những dãy phố lộn xộn và huyên náo vào ban ngày và bất chợt huyền ảo vào ban đêm.

Tôi chưa từng ra phố, theo đúng nghĩa của nó, vào khoảng ba bốn giờ sáng. Chưa bao giờ tôi nghe tiếng bước chân mình rõ thế, yên ắng đến nỗi tôi chỉ dám thầm thì khi trò chuyện với người bên cạnh. Chưa bao giờ tôi nhận thấy từ Hàng Buồm về Hàng Vải lại là một con dốc, và Hàng Ngang - Hàng Đào dài tít tắp, sâu hun hút trong màn sương. Chưa khi nào tiếng gà gáy lại vang vọng khiến tôi lạnh người. Chưa lúc nào tôi biết đèn đường phố nhà tôi không hề bật ban đêm. Tôi hơi run khi nghĩ về những tội ác có thể xảy ra, về những câu chuyện ma; tôi ngỡ ngàng khi cảm thấy như trong giây lát con người và cái hỗn tạp của họ bốc hơi khỏi thành phố; và tôi sững sờ trước vẻ đẹp cô quạnh của những con phố cổ. Hà Nội trong tôi tự nhiên khác lắm. Bước đi chính giữa con đường gập ghềnh, dưới ánh sáng chỉ một màu vàng nhờ nhờ của đèn đường trên cao khó khăn hắt qua các tán lá cổ thụ dày, tôi nói thầm: "Cuộc sống ở Hà Nội thật sự có màu sắc..."

3. Tôi quen những người bạn mới không phải khi chúng tôi cùng ở Hà Nội mà là thông qua Internet. Vốn mỗi người một phương, nhưng may mắn họ đều có gia đình sống tại Hà Nội nên chúng tôi thi thoảng gặp nhau. Người nhìn Hà Nội như một nơi mà người ta bận rộn, nhiều mưu nhiều mánh, nơi cuộc sống là một con sông không ngừng đổi dòng chảy, nơi sự đi học là lý thuyết suông và ta cần học thông qua hành là chủ yếu. Người nhìn Hà Nội như một điểm nghỉ chân tạm thời sau một vài năm xa đất nước, nung nấu ước mơ một ngày đủ lông đủ cánh sẽ quay về. Người nhìn Hà Nội như một vùng đất mới, có thể có thử thách, có khám phá, có rút lui hoặc có thành công. Người nhìn...

Mỗi năm là vài người, nhưng có một hai người thực sự gây ấn tượng với tôi. Quan điểm của họ khác hẳn nhau nhưng giống nhau ở chỗ chúng không hề sáo rỗng, và tôi phục vì họ có đủ những lý lẽ thực tế để bảo vệ hướng đi của mình. Giữa một rừng nụ, họ là những bông hoa nở đẹp. Tôi chủ quan nối họ với mảnh đất Hà Nội. Hóa ra Hà Nội không hẳn xô bồ, và giới trẻ nơi đây không chỉ toàn là lứa quả chín rữa của cách giáo dục chiều chuộng như tôi từng tưởng.

4. Tôi vẫn kịp nghĩ đến những điều tôi mong ước trong lúc vừa ngửa đầu xem pháo hoa đêm giao thừa ở Hồ Gươm vừa nói chuyện. Ít khi tôi thấy pháo hoa là đẹp - chỉ là những vệt sáng, và không tiêu biểu cho một nền văn hóa hay quốc gia nào - nhưng tôi cảm nhận được một cái gì lâng lâng từ những vệt sáng ấy. Tôi từng tránh các thể loại đám đông, không bao giờ ra đường vào đêm giao thừa, ngồi trên nóc nhà xem pháo hoa, ước sức khỏe cho gia đình, ước những con cún nhà tôi sống mãi, và ước điểm ở trường cao hơn. Đứng ở Bờ Hồ năm nay, tôi là một con người khác. Tôi cũng biết sau lần về Hà Nội này, cuộc sống tôi sẽ phức tạp hơn, có những con đường cần phải lựa chọn, có những lo toan vốn hời hợt cần phải xem lại, có những con người cần nhớ...

5. Cuộc sống hiện tại của tôi là những chuyến đi về. Mỗi lần về là sự háo hức, mỗi lần ở là thêm một vài nỗi thất vọng, nhưng lần này thì khác -- bên trên những thất vọng, tôi yêu đơn phương Hà Nội.

Saturday, February 2, 2008

Hà Nội là một tủ đá

Mạng chập cheng, cập nhật vài dòng cho gọi là có: Hà Nội lạnh như chưa bao giờ được lạnh, hơn cả Eskimo bar ở Raffles City.

Bạn Mây về mới một ngày mà làm được nhiều việc lắm, cụ thể là: sáng ngồi trong nhà run, chiều ngồi trong nhà run, tối bế cháu ngồi run, đêm ngủ run. Thò tay vào nước để rửa bát, rút tay ra rét cóng không còn cảm nhận gì, không biết bát đĩa còn mỡ hay đã sạch kêu rít một cái rồi. Mũi thì như đã rụng ra khỏi mặt, tai không biết đã rơi hay còn treo lủng lẳng hai bên má. Đi ra đường nhìn ai cũng béo như con gấu, áo len, khăn len, mũ len, đầu ai cũng tròn và bóng như một loạt nồi cơm điện bày trên giá ở Carrefour, nhìn thú vị lắm (xem ra chỉ còn đôi mắt là hoạt động, còn cái gì cũng xơ cứng cả rồi).

Bạn nào đã, đang, và sắp về HN làm ơn đừng rủ Mây đi chụp ảnh ngoài trời, rét lắm, đầu hàng :((.

Thursday, January 31, 2008

Wednesday, January 23, 2008

Tản mạn: Ngủ quên

"A little further...", he sings


Hôm nay cho mình nông cạn một tý, tại vì xét ra chẳng có gì nhiều để mà nói ngoài chuyện công việc tay phải tay trái cứ kéo thành cái đuôi dài thượt. Ảnh hoa lá đặt vào nhìn cho nó rung rinh, chứ chẳng liên quan gì đến nội dung bên dưới.


1. Sợ ăn. Hàng thì đặt uỵch đĩa bánh trước mặt mà không cho thìa dĩa. Hàng thì đồ cay quá, đang ăn tự dưng thấy uống nước nóng cũng như lạnh, lưỡi được tẩm ớt không còn cảm giác gì. Hàng thì cắm cọng rau mùi vào miếng đậu phụ, chưa tìm hiểu được là đặc sản dân tộc nào. Xét chung toàn ngồi giữa cơ quan buốt giá và miệng thì thèm bún riêu. Biết là giết cua thì dã man, nhưng chắc ngồi nghĩ không thôi thì cũng chưa phải là tội lỗi lắm.


2. Kiểu này vẫn phải lấy chồng thôi, tất cả mọi chuyện bắt đầu từ một con thạch sùng phơi bụng chết ngửa. Nửa tiếng buổi sáng cầm hai miếng bìa to đứng mếu máo đấu tranh tư tưởng dũng cảm dọn nó hay là để đến tối có người giúp (và rồi đi làm muộn) cũng đủ để thấy có đàn ông trong nhà - không sợ thạch sùng chết, gián, chuột, giun rết, cóc nhái, bướm ma - là quan trọng thế nào. Ít ra cũng có người giúp mình cầm hai miếng bìa. Lấy chồng đầu tiên là vì khả năng dám cầm hai miếng bìa.


3. Con người thay đổi nhanh chóng thật, thoắt cái quay 180 độ. Mình cố xoay có 90 độ mà sái chân vẹo cổ.


4. Xét ra sống được 23 năm rồi cơ đấy, các hoạt động chính trong 23 năm là trâu bò, hưởng thụ, và đờ đẫn. Một chị bạn bảo chỉ thích ở nhà làm vợ hiền mẹ đảm, chồng thương yêu nuôi nấng, nhưng tới 26 tuổi mà chưa kiếm được anh nào ra dáng như thế thì coi như đời đời không kiếm được, cho nên làm thân trâu bò tự nuôi mình thôi. Trâu bò thì tốt thôi, nhưng theo mình cái chính là sống thế nào, chứ còn tư tưởng “dám làm” – mạo hiểm ấy – thì chưa có, mà chưa có thì chưa làm, mà chưa làm thì đời cứ bình bình thế này, không có gì "hay hay lạ lạ" để làm ta ngạc nhiên hoặc hồi hộp.

Sẽ không có buổi sáng dậy chim hót líu lo, mây trôi bồng bềnh, rồi giụi mắt một phát có túi vàng ba gang rơi phịch xuống cạnh chân giường.

Cũng sẽ không có chuyện quay qua quay lại thấy cả tá ống kính máy ảnh đèm đẹp vây quanh, và kê ở bốn chân giường là bốn ống Carl Zeiss cứng cáp, to như chân voi.

Cũng sẽ không có hoàng tử / công chúa bưng điện thoại, máy tính xách tay, báo buổi sáng, cùng cà muối trộn sữa tươi đến đặt tận tay, rồi nhảy múa cho mình xem đâu.

Tuy nhiên cụ thể là từ tư tưởng chuyển hóa thành hành động như thế nào thì còn phải nghĩ, mà có 10 lần thì 11 lần háo hức trèo lên nằm trên giường vắt tay nghĩ được đâu dăm phút là ngủ quên.


5. Phải, ngủ quên là bệnh kinh niên. Có là bệnh thì mới có lúc phải viết những dòng này.


Wednesday, January 16, 2008

Tập nói tiếng Việt





Từ thời còn trẻ tôi đã không thích nghe tiếng Việt pha tiếng Anh. Nếu một câu có 70% tiếng Việt và 30% tiếng Anh thì đại não của tôi sẽ lên tiếng chỉ đạo rằng câu tôi vừa nghe là tiếng quần đảo Fiji.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn chỉ nói một thứ tiếng, hoặc tiếng Việt từ a đến y có đủ á ớ bờ cờ, hoặc tiếng Anh từ a đến z (ở giữa có đủ ép-phờ, giây, đáp-bờ-l-iu đàng hoàng). Hiện giờ người Việt ở nước ngoài chỉ có một số ít nói tiếng thuần Việt, còn thì phần lớn người Việt ở Trung Quốc nói tiếng Việt Trung, người Việt ở Nhật nói tiếng Việt Nhật, người Việt ở Tây Ban Nha nói tiếng Việt Nha.

Các bạn gọi đây là truyền bá tư tưởng sử dụng tiếng Việt trong sáng cũng được, nhưng ngày thường chúng tôi cảm thấy rất thú vị khi có các cuộc đối thoại tiếng Việt trong sáng, vui tươi, nhí nhảnh toàn răng .


Huyền (người nước ngoài gọi là Clare, người Việt trước mặt người nước ngoài gọi là Cờ-lê):

"Tiếng Việt của mình càng ngày càng đỉnh cao và đầy sáng tạo . Cứ gọi là Việt hóa diện rộng mọi từ tiếng Anh xưa nay giới trẻ chúng mình chuộng dùng. Giờ mình không nói là team, mà mình nói là đội. Mình không gọi là Singapore mà mình gọi là Tân Gia Ba. Mình cũng không gọi là search, mà mình gọi là tìm kiếm. Hị hị "


Mây:

"Bạn Cờ-lê (từ mượn) thân mến,

Chữ "copy" lẽ ra bạn nên để là "sao chép". Mình chỉ dám nhắc nhẹ thế thôi chứ biết tiếng Việt của bạn đỉnh cao ngất ngưởng rồi. Tuy thế hôm nay trên YM mình nhìn thấy rõ ràng bạn viết tiếng Việt mà bạn còn phải mở ngoặc "tiếng Việt" rồi đóng cái ngoặc lại nữa nhé. Mình trộm nghĩ sao bạn lại cần làm vậy...

Nói thì bạn ứ tin, chứ đội mình ở tầng thứ ba mươi bảy nhớ bạn lắm. Hôm nào bạn lên bàn chúng mình ăn kẹo bạc hà (mỗi lần xuống tầng thứ tám đội mình nhón lấy vài cái), xem cái cây mình trồng, và ngắm cảnh đi. Nếu bạn ngồi ở Phòng thư giãn cạnh bếp để ăn trưa, bạn sẽ thấy mưa bay từ Sân bay Chang-i (phiên âm) bay về Thành phố Ráp-phờ. Bạn cũng sẽ thấy những cụm mây nhỏ len giữa Tháp số bốn Thành phố Xăn-tếch của chúng mình và tháp gì đối diện nối với tháp mình bằng Đường đi bộ Thiên niên kỷ ấy. Tầng mình còn có kính viễn vọng, nơi bạn có thể nhìn thấy người bên tháp bên kia đang làm gì (cái này kỳ thú!).

Giờ là nửa đêm rồi, gà chưa gáy nhưng mình phải lên chuồng. Thiết nghĩ Việt Nam chắc tự hào lắm vì ở hòn đảo ngư sư (hay sư ngư?) xa xôi có những đứa con luôn biết hướng về Tổ quốc và biết nói tiếng Việt chuẩn như chúng mình :">.

Mong sớm gặp bạn,
Mây"


Từ gì tiếng Anh có thì tiếng Việt cũng có hết. Các bạn cứ thử trong sáng một lần cho biết nhé!


Saturday, January 12, 2008

Lại yêu

10/2007 - 10/01/2008: Bốn tháng tìm hiểu, ước mơ (ban ngày ước, ban đêm mơ), gạ gẫm, thương thảo, hụt hẫng, tưởng bở... Lâu lâu cảm xúc mới trồi sụt liên tục thế.

11/01/2008: Đổi ý, chắc như đinh đóng cột là chấm dứt tình yêu không tương lai với anh. Cả một buổi tối ngồi cay đắng tư vấn với chuyên gia tình yêu, đêm đi ngủ đầu óc quẩn quanh với những con số và đơn vị tiền bạc. Dù nồng thắm đến mấy, tình yêu thời đại này không thể không tính toán.

12/01/2008: Ngủ dậy, định tự trấn an bằng cách bắt đầu đi tìm tình yêu mới, nhưng còn nhớ anh... Nhớ lắm, dù sao vẫn còn vương vấn, quyết định chia tay đâu phải vì đã hết yêu. Anh bỗng lên mạng, rồi theo thói quen, lại tay bấm điện thoại, lại tin nhắn, lại gọi điện. Chiều, phóng hơn 40km đến với anh, rồi phóng hơn 40km về nhà. Nhưng lần này hạnh phúc lắm dưới cơn mưa, vì lúc về chúng ta không ai phải đi một mình nữa... Đây, sau bao tháng ngày vật lộn đấu tranh trên ClubSNAP, bạn Mây đã có được anh:


Tamron lens

Tamron
SP AF 90mm f/2.8 Di Macro 1:1


Cách đây một năm rưỡi, bạn Mây đã có bài đả kích chú ruồi mắt đỏ đã vô tình co chân vụt bay mất khi bạn đang lấy nét và cố zoom bằng Canon Powershot. Cách đây hai tuần bạn cũng vừa suýt đáp xuống hồ khi cố vươn chụp cô chuồn chuồn thân mang màu hồng của hoa mười giờ cánh kép . Giờ thì ruồi với chuồn chuồn, các cô các chú xem ai nhanh hơn nhé!

Friday, January 4, 2008

Tản mạn: 04.01.2008 và con mọn

Nhím says hi!


1. Hai bố con…
- Bố tạm ngừng phơi nhé, dịch ra một tý cho con chụp yếm của Nhím.

- [cười khảy] He, lắm chuyện! Có biết chụp đâu mà chụp…

- Ơ bố này… Bố quay cái yếm xanh ra cho con chụp, nó là con trai mà mặc yếm hồng à?

- [xoay một lúc, cười] Thôi rồi, giặt sót cái yếm xanh!

Vậy là ảnh đầu tiên về và dành cho Nhím là ảnh chiếc yếm hồng (không sao, nam tính là từ trong máu), thơm mùi nắng và tình yêu của ông ngoại.


2. Theo bác sỹ siêu âm, Nhím đã phải chào đời cách đây hai tuần. Theo bác sỹ khám cho mẹ Nhím thì Nhím chào đời cách đây một ngày. Hai bác sỹ lệch pha nhau, xét cho cùng, không phải hai tuần mà cả một năm. Thôi thì cái gì liên quan tới chuyện “măng mọc” thì gia đình thực sự dồn tâm trí (và thức ăn) vào cho bà mẹ trẻ em và không thắc mắc khiếu nại bệnh viện. Dù gì thì các bác sỹ mà so với Nhím thì thuộc tầm “tre già” mất rồi, nhắm một mắt mở một mắt coi như mọi chuyện chỉ là một cái chấm nhỏ.


3. Nhím nghe giọng Mây, đặc biệt giọng Mây bắt chước nói theo kiểu Hà Tây, thì đạp tứ tung, như muốn ra ngoài tay bắt mặt mừng lắm rồi. Tuy có hơi chậm chạp một tý, nhưng chọn đúng ngày 04 là biết điều, là khéo nịnh, là có duyên với Mây.


4. Nếu không có Nhím, chắc tôi chẳng bao giờ thích đi mua sắm, và sẽ mãi mãi nhận được một câu hỏi tu từ từ tất cả mọi người tôi gặp: “Làm sao là con gái mà không thích đi mua sắm?!” (chấm than chắc to hơn chấm hỏi). Giờ thì tôi thích, nhưng chỉ khi đấy là đi sắm đồ trẻ con. Thế giới đồ cho nhi đồng rộng lớn (và cũng cao giá) một cách đáng ngạc nhiên! Tính đến giờ có lẽ tôi đã đi hết phân nửa các cửa hàng Kiddy Place, Mothercare, John Little, Giordano Children, Winter Time, Coldwear, Disney… trên hòn đảo này. Tôi cũng thuộc giá của từng loại quần áo cơ bản dành cho sơ sinh và mẹ bé; biết được có bao nhiêu loại bình sữa và các loại núm trên bình dành cho từng giai đoạn phát triển nào chỉ bằng việc nhìn xem lỗ đục trên núm bình hình gì, to bé thế nào; rồi đến các loại ống hút nước mũi cho trẻ; dụng cụ làm sạch/tiệt trùng bình sữa; tã; yếm; xà phòng gội đầu (có tóc đâu mà gội, tôi vẫn còn băn khoăn); sữa tắm; phấn rôm; các loại dầu bôi trên da; cặp nhiệt độ… Mỗi lần đi cửa hàng trẻ em tôi hân hoan và phấn khởi như đi sắm đồ nhiếp ảnh vậy, lại thêm cái cảm giác mình cũng lớn lớn hơn rồi.


Thế mà nhận được điện thoại từ nhà báo Nhím đã ra đời, môi đỏ, da trắng, không nhăn nheo như chú khỉ con mà tôi tưởng tượng, mặt mày hớn hở, mũi hay nở nở phập phồng giống hệt mẹ Nhím, tôi mới thấy mình trở nên “già” hẳn và cảm thấy một trách nhiệm thực thụ mới được đặt lên vai.


5. “Tuổi này có cháu là chuyện bình thường!” Kệ thiên hạ chứ, chuyện vui buồn đến với mình lúc nào thì mình cũng vui buồn lúc ấy, nếu không các ông bố bà mẹ chắc là chẳng có cảm giác gì lúc đứa con chào đời nữa, vì đơn giản: “Nhà người ta cũng con cháu một đàn, bám đuôi áo nhau đi như đoàn tàu hỏa!” Là út ít trong gia đình, tôi không thích cảm giác mỗi khi tưởng tượng ra hoạt cảnh mình có em và bị mọi người trêu là “ra rìa”. Giờ có Nhím, Mây “ra rìa” thật rồi, nhưng chưa bao giờ việc “ra rìa” lại dễ chịu và hạnh phúc thế.


Năm mới bắt đầu bằng việc tôi luộc chín một con nhện khi nó bỗng hiện từ đâu ra và lồm cồm bò vào nồi nước tôi đang đun sôi, tiếp nối bằng việc tôi đi chợ và bị một con chuột lông lá chạy hùng hục đâm thẳng vào mũi giày. Dĩ nhiên tim ngừng mất một vài chục nhịp, nhưng từ lúc Nhím chào đời, tim tôi lại chạy hùng hục như con chuột nọ. Ôi thì ra có con mọn phần nào là thế...