Monday, July 14, 2008

Tản mạn: Chấm hỏi và đẹp

10 minutes


1. Có những thứ mãi tồn tại là mâu thuẫn.

Trong bối cảnh của thời đại nước sơn có đôi phần quan trọng hơn gỗ, tôi vẫn không mấy để ý đến nước sơn khi cần phải đánh giá con người.

2. Khoảng một năm nay, tôi có thói quen soi tất cả các gương mặt mà thị giác cho phép tôi nhìn thấy. Trên tàu. Dưới phà. Khi đi bộ. Khi chờ ngồi vào khám bác sỹ. Khi xếp hàng trong nhà vệ sinh. Tôi nhận thấy bất kỳ ai cũng có ít nhất một nét đẹp: nếu đó không phải là cái mũi hếch lên nghịch ngợm, một lúm be bé chỉ hiện lên khóe miệng khi mím môi, thì cũng là một vài sợi tóc mai mỏng mảnh phất phơ bên má hay một nếp nhăn rạng rỡ kéo từ cánh mũi xuống khóe môi khi cười. Nếu không là những ngón tay thô kêch nhưng uyển chuyển của một phụ nữ từng trải, móng tay hồng hào sạch sẽ thì cũng là đường gân khỏe mạnh nổi trên bàn chân. Những cái đẹp không chuẩn. Không mắt to, mũi nhỏ thẳng, hay đôi môi hình trái tim. Không lông mày lá liễu và ánh mắt liếc như dao cau. Không nước da trắng hồng không tì vết hay sợi lông mao nào lộ liễu. Không tay búp măng và chân thẳng dài. Tôi yêu những gương mặt dành phần lớn thời gian để đăm chiêu vì cuộc sống và bỗng tỏa rạng ngời khi nhận một cuộc điện thoại. Tôi thích thú khi nhận thấy sự đắc chí của một người đàn ông trên tàu khi bấm phím điện thoại nhắn tin cho người quen mà không cần rút điện thoại ra khỏi chiếc bao nhung đen.

Và tôi luôn tưởng tượng nếu tôi có thể bấm máy tự do, tôi sẽ lên khuôn hình như thế nào, bố cục, ánh sáng ra sao, những bức ảnh sản phẩm đúc khuôn từ xã hội sẽ được xử lý màu tươi tắn rạng rỡ hay xanh xao cũ kỹ.

Tôi vẫn nói tôi không để ý đến nước sơn, nhưng hàng phút tôi săm soi đi tìm cái đẹp cho những con người bình thường. Đấy là niềm vui, là thói quen đang biến thành phản xạ, là sự giết thời gian, là một việc mà đôi lúc hứng chí tôi tự gán cho nó tính nhân văn.

3. Một bức ảnh đám ma đẹp luôn đẹp hơn những bức ảnh đám cưới. Một bức chân dung tự nhiên đẹp hơn một bức tạo mẫu hoàn hảo về sắc cũng như kỹ thuật. Có người mẫu là có sản phẩm, nhưng tôi không thích xem ảnh người mẫu đẹp. Và ảnh của tôi, nếu không dùng cho mục đích thương mại, không bao giờ có người mẫu, chỉ có nhân vật. Có nhân vật là có cuộc đời.

4. Những người đàn ông trong giới nhiếp ảnh tán rằng có mấy thứ để tạo nên một bức ảnh đẹp: rượu, thuốc lá, người mẫu, và thời tiết. Tôi nghĩ chỉ có một thứ để tạo nên một bức ảnh đẹp hoàn hảo: tâm hồn.

5. Có một số người đeo tai nghe đi đường chỉ vì sợ mình trông có vẻ không bắt kịp với sự phát triển của trào lưu hiện đại. Có một số người khác trang điểm như một liệu pháp an toàn, không phải vì nghĩ mình sẽ đẹp hơn mà vì không biết như thế nào thì mình sẽ đẹp.

6. Một lời tỏ tình bất ngờ là thú vị. Một hành động tỏ tình là ngọt ngào. Mà đôi lúc chỉ đến khi đi cạnh nhau, chẳng cần nói gì mà vẫn thấy nhận được sự đồng cảm, thì mới cảm nhận được cái đẹp. Cái đẹp có nền tảng trừu tượng nhưng vững chắc nào đó. Cái đẹp không tạo cảm giác phù du hay thức thời. Tôi biết, tôi lại vẫn nhìn vào nước gỗ để cảm.

7. Có những thứ mãi tồn tại là mâu thuẫn.


5 comments:

  1. Bài này hay mình, rút hết cả đau răng ra mà viết này :P :P Tao đầu tiên cứ tuởng mình lại quay lại chủ đề gỗ-sơn mà tao mình-Gà đã hao tổn bao công sức tranh cãi ở blog này năm ngoái :))
    Nhưng quan niệm về cái đẹp là khách quan, thế mới đau! Với nhiều người bấm máy khác, rượu thuốc lá thời tiết người đẹp bla bla là chuẩn mực, quy ước, họ cứ bấm rồi chỉnh thôi chứ đâu phải cảm nhiều, mà có cố gắng khéo cũng chả cảm đuợc. Sống đủ để quan sát xung quanh khó lắm mình :D Tao thi thoảng cũng mới lên cơn nhìn mọi người thật kỹ, chứ cũng hay hời hời lắm á...
    Hổm tao xem 1 cái phim ngắn về 1 bà nhiếp ảnh gia nào đấy rất nổi tiếng (dưng tao quên tên), bả chuyên chụp portrait trắng đen mình ạ. Bả bảo ảnh đẹp là phải có như một bóng ma (ghost) trong ảnh, vì đấy mới là có hồn, cả sự nghiệp cuả bả chỉ là tìm và trò chuyện với bóng ma ấy thôi.
    :|

    ReplyDelete
  2. Cuộc đời luôn "thiên biến vạn hóa": có những thứ mâu thuẫn trong hợp lý nhưng cũng có những điều tưởng hợp lý hóa ra mâu thuẫn. Mọi thứ khó lường. Nước gỗ hay nước sơn quan trọng khi con người đưa ra lựa chọn của mình. Lựa chọn có khi sẽ là mâu thuẫn, nhưng biết đâu đến một lúc nào đó xét lại thì sẽ là hợp lý. Thích câu "Có những thứ mãi tồn tại là mâu thuẫn" vì bản thân câu này chứa đựng sự hợp lý rồi.

    ReplyDelete
  3. em chỉ k0 đồng ý ở đoạn " Một bức ảnh đám ma đẹp luôn đẹp hơn những bức ảnh đám cưới ", em nghĩ là mỗi bức ảnh có nét đẹp riêng, có thể chỉ là đẹp về ý tưởng :D. Em chẳng bao giờ so sánh ảnh nào đẹp hơn ảnh nào cả. Với em, đẹp đơn giản nhìn vào thấy thích là đẹp, chẳng cần suy nghĩ rằng vì cái gì mà nó đẹp. Hì hì

    ReplyDelete
  4. @ Quân: Câu cuối đúng.
    @ Toe: Vừa đọc thư tình của mình xong thì trời mưa sấm mưa sét, tao biết là mình nhớ tao :">. Cái đẹp là chủ quan chứ mình, mỗi người một con mắt mà. Cái bóng ma ấy, thi thoảng tao cũng hơi hơi cảm nhận được, nói một cách đơn giản và của người bình thường là phải bắt được cái thần của biểu hiện trên gương mặt, mà để bắt được thì tâm hồn phải đồng cảm với nhân vật. Đấy cho nên tao bảo là người mẫu khác mà nhân vật khác mà. Cứ trời mưa là nhớ mình lắm :x.
    @ Linh: Tìm địa bàn họp mới đi chứ cười gì :D.
    @ Khoa: Đây là chủ quan của chị mà :-). Thường thì cũng khó mà so sánh ảnh nào đẹp hơn, bằng chứng là Favorites trên Flickr mỗi ngày một tăng :D, nhưng nhìn vài cái ảnh thế nào chị cũng chọn ra được một cái thích nhất vì có một cái gì đấy độc đáo. Còn cứ uống rượu hút thuốc rồi bấm một loạt và so loạt ấy với một bức mà người chụp "đầu tư" về tâm hồn thì chắc chắn là so sánh được. Xem ảnh quảng cáo ở báo VN thấy vô hồn, mà xem ảnh quảng cáo ở các tạp chí nước ngoài thấy rõ ràng là khác về cái đẹp thần thái phải không em?

    ReplyDelete
  5. Bài viết hay, có những điều anh có thể hiểu nhưng mãi mãi ko nói rạch ròi ra được! Theo anh nghĩ nhiếp ảnh tự bản thân nó đã ở một tầm cao của văn hóa nghệ thuật rồi! Người chụp ảnh có thể nhiều nhưng chụp đẹp thì ko có nhiều đâu. Vì ngoài cái mà em gọi là "tâm hồn" hay là cảm xúc trong mỗi bức ảnh, còn đòi hòi vốn liếng cuộc sống, phông văn hóa, hiểu biết về kĩ thuật, mà những thứ đó còn phài luôn luồn ko ngừng được trau dồi nữa. Ở VN bây giờ ko thiếu các bác nhiếp ảnh "đương đại" y hệt như dân ca đương đại múa đương đại và tạo hình đương đại, vậy mà luôn coi mình ở tầm cao hơn xã hội! Còn về cái đẹp, nó là thứ không nằm ở con mắt (chủ quan) cũng không nằm ở bông hoa ( khách quan). Nó là thứ đột ngột xuất hiện kết nối hai phạm trù đó. Khi nó xuất hiện, cái đẹp xuất hiện, khi nó không xuất hiện thì sự vô cảm xuất hiện. Vậy thôi!

    ReplyDelete