Saturday, January 2, 2010

Khi không có thú tiêu khiển

Có những khi phải mất đến vài tháng hay nửa năm để nhận ra bản thân đã mù quáng thế nào. Tại sao ta lung lay? Không phải vì người khác làm ta lung lay, mà bởi vì ta không tin vào mình.

1. Có người tốt mà mình bỏ qua. Mình không tốt, và mình kết tội họ không tốt với mình. Thực ra khái niệm giới hạn không mơ hồ lắm. Vài lần quá thật, vài lần quá thẳng, mọi thứ khô khốc. Rồi mình vùi mình trong đống gạch vỡ ấy, bứt tóc và nghĩ về một ngày trước, một tuần trước, một tháng trước... với cảm giác hẫng như người không trọng lượng. Cô độc.

2. Có người suốt mấy năm thể hiện tốt mà chỉ một vài ngày gặp liên tiếp đã khiến mình không muốn gặp lại cả đời. Trong vài ngày ấy, mình đã cố tự thuyết phục, đã chịu đựng, đã nhắm một mắt rồi nhắm cả hai. Từ khi không gặp nữa, mình đã cố tìm vài từ khác để miêu tả suy nghĩ của mình, như một kiểu tự giải thích vì sao mình có cảm giác sững sờ như thế cho mình hiểu, mà cũng không có từ nào hay hơn từ "khinh." Tiếng Việt thật cô đọng.

3. Có người tới giờ vẫn khiến mình phải suy diễn. Tốt hay là xấu, mình còn không chắc được. Mình đã rất vui, nhưng khi cuộc vui tàn? Có người bạn nói cứ người nào cậu thấy vui khi chơi với thì cứ chơi với họ. Cái khoảnh khắc vui ngắn ngủi hiện tại quyết định quãng thời gian làm bạn với nhau từ đây? Đôi khi mình nghĩ là mình luôn suy nghĩ phức tạp lên như thế, mình không biết cách sống một khoảnh khắc, nhưng lo nghĩ về tương lai hay phân tích một vấn đề có phải là một cái tội không? Một thày giáo đã hỏi mình vì sao khi mình sáng tạo lại cần quan sát và phân tích, mình không biết trả lời. Sự mâu thuẫn nội bộ giữa bó thần kinh trái và mớ thần kinh phải của mình là cái mà người ta vẫn gọi là cái tội trời bắt mang.

Mình chỉ mong có một năm thật phẳng lặng, được đi nhiều hơn, và gặp ít thôi. Giữa những chuyến đi ấy, mình ước sẽ được sống một cuộc sống "Tỏa nhị Kiều" - thật yên thôi, và không biết buồn.

Saturday, November 15, 2008

Tản mạn: Chuyện bịa trên tàu




Sáng... Tàu đã đến sau năm phút em chờ, em uể oải bước lên. Ở cuối toa còn một ghế trống. Tàu vút đi, lại tiếng rít khe khẽ quen thuộc của kim loại nghiến lên nhau. Em nhắm mắt ngủ nốt giấc ngủ còn dang dở...

Anh không hoàn hảo, cao hơn em có một chút và mập mạp, trên khuôn mặt anh nét gì cũng tròn. Em bỏ qua hết vì em ngưỡng mộ giọng nói trầm ấm và chuẩn của anh--ít người sống trên đất này có thể nói tiếng Anh chuẩn thế. Anh luôn đi làm sớm, và năng hỏi han em. Anh ít cười, nên khi anh cười với em, em đã nghĩ đấy là hoa của sa mạc. Đã bao nhiêu quả táo em tặng anh làm bữa sáng vào những hôm trời mưa nhỉ?

Chuông tàu kêu to và chậm rãi khi vào ga tiếp theo. Anh nên chào em đi, em nhìn thấy vợ anh rồi.

---

Tàu lại rồ máy nặng nề chuyển bánh, các ống nước trắng đỏ dọc theo thành đường hầm như kéo dài vô tận.

Anh vốn không phải chàng trai khô cứng mặc dù anh học về tự nhiên. Anh mạnh mẽ, đi nhiều nơi, anh đã trải qua nhiều cảm xúc lãng mạn và chân thật của sách vở, anh nhiều tài và lớn hơn em hẳn. Mùa đông ấy anh rủ em ngồi cạnh, bàn về chuyện đời, giữa một căn phòng ít người, thơm mùi len dạ, khói thuốc, và ly rượu đắng mặn ấm lòng. Anh kể về những chuyến đi, những bức ảnh mà anh nhớ mãi, về chuyện tình cảm nhạt nhòa của anh.

Em, giữa những bộn bề và áp lực, cũng có những phút đồng hồ được cuốn vào một cuộc sống khác--cuộc sống của anh, không có công việc, không có những người mà em không ưa, không có luật lệ đề ra, không có trói buộc của lễ tắc. Tự do và được che chở. Thời gian rất chậm, không gian ấm và mơ hồ.

Ta bước đi trên con đường nhỏ và không người của đêm tối. Lạnh, gió, tay anh khép chặt trong túi áo anh, tay em cuộn lại trong túi áo em. Em đã tự hỏi sao mình ấm thế, là ly rượu hay là gì khác.

Tiếng chuông tàu lại vang lên, tàu trờ vào một ga mới. Em biết anh đang mệt mỏi lần theo con đường lựa chọn của mình. Con đường của anh khiến anh quay lưng lại với những giá trị đẹp đẽ của cuộc sống. Anh cứ dò dẫm tiếp đi, em không trân trọng nữa.

---

Cửa tàu đóng nhẹ, ánh sáng của ga ngầm vừa qua tụt lại phía sau. Tàu lại lao giữa bóng tối, lan can, và những đường ống.

Anh lịch thiệp, khiêm tốn và toàn diện. Anh coi bề ngoài khỏe mạnh là tiêu chí thẩm mỹ hàng đầu của người đàn ông. Anh tập cho mình đủ những môn nghệ thuật hình ảnh, em thích. Anh bất mãn với những suy đồi của văn hóa và cung cách làm việc, nhưng anh không phủi tất và quay lưng lại. Anh thay đổi nội dung của tủ quần áo để làm mới mình. Anh vẫn rong ruổi sáng tác ra những hình ảnh đẹp từ những nơi không đẹp.

Lại ga tiếp theo kìa, tàu xóc lên một chút. Anh sắp đi, và anh cũng nên đi để nhận ra trên đời còn có nhiều thứ phải quan tâm hơn cái đẹp. Em đã xem hết ảnh các cô gái chiếm trọn bộ ảnh của anh rồi.

---

Tàu có vẻ như đi nhanh hơn. Tàu đưa em về quá khứ?

Anh cũng toàn diện nữa, cũng tự nhiên và xã hội, cũng con số của công nghệ, cũng văn thơ nhạc họa. Đôi lúc em thầm nghĩ không biết anh có thiếu thực tế không, vì con số mà anh tiếp xúc chỉ là sản phẩm của công thức quy ước, trong khi văn thơ nhạc họa đưa anh bay lên...

---

Tàu đông hơn rồi.

Anh chăm lo cho em như một người cha chăm lo cho con mình. Anh luôn ở trong vị trí của em để xét đoán và đánh giá. Anh chấp nhận sự vô lý của em như nét chua không thể thiếu trong món canh cá. Anh kiên nhẫn và đáng trân trọng. Nhưng anh ở thực tại nhiều quá mà không mấy khi nghĩ về tương lai. Anh có chín hơn được không?...

---

Tàu đi như không có bến cuối, cứ vài phút chuông lại dóng dả vang lên. Người xung quanh đông hơn, đứng trước mặt em là chen chúc những mái đầu hoa râm, đen, nâu, vàng. Không gian rất lặng, căng thẳng của những người đi làm. Chiếc ghế em ngồi giờ có giá trị cao lắm, vì một tích tắc em đứng lên sẽ có nhiều người cùng nhào tới. Em đã nên xuống tàu chưa?


Friday, October 3, 2008

04 Oct 2008




Rút dép đặt đây. Đi chơi về còn tỉnh thì tính sau :D.

---

Mây đi chơi về rồi, hì, vẫn tạm tỉnh các bạn ạ.

Cám ơn các tình yêu gần xa vì tất cả những gì các bạn gửi tặng Mây: chủ đề trên Flickr, ảnh, tin nhắn di động, tin nhắn tức thời YM, điện thoại, bưu kiện, thiếp, hoa, bánh, và đặc biệt tình yêu thương đám mây đen của các bạn .

Mây em rất là xin lỗi tình yêu nào đã canh giờ để gửi tin nhắn di động chúc mừng nhưng mà em chưa đáp lại ngay. Báo cáo các bạn dạo này em nó cứ cuối tuần là đủng đỉnh chập tối đã lên chuồng và nằm ngoan đến trưa hôm sau ạ .

Năm nay có bạn cực tin vào tay nghề thủ công mỹ nghệ của em nên đã tặng một hộp than chì xịn. Hic thú thực em cũng chưa dám đầu tư vào bàn tay nõn nà của em như thế bao giờ. Em hứa sẽ tạo nên những bức họa có giá trị nhớn đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà.

Kể ra thì viết đến đây cũng hết tỉnh rồi, em xin đóng lại bằng cái ôm thơm thắm thiết nồng nàn đến tất cả các bạn yêu em. Em yêu các bạn ạ :-)!!! *vẫy bóng bay và hoa hồng*

Monday, July 14, 2008

Tản mạn: Chấm hỏi và đẹp

10 minutes


1. Có những thứ mãi tồn tại là mâu thuẫn.

Trong bối cảnh của thời đại nước sơn có đôi phần quan trọng hơn gỗ, tôi vẫn không mấy để ý đến nước sơn khi cần phải đánh giá con người.

2. Khoảng một năm nay, tôi có thói quen soi tất cả các gương mặt mà thị giác cho phép tôi nhìn thấy. Trên tàu. Dưới phà. Khi đi bộ. Khi chờ ngồi vào khám bác sỹ. Khi xếp hàng trong nhà vệ sinh. Tôi nhận thấy bất kỳ ai cũng có ít nhất một nét đẹp: nếu đó không phải là cái mũi hếch lên nghịch ngợm, một lúm be bé chỉ hiện lên khóe miệng khi mím môi, thì cũng là một vài sợi tóc mai mỏng mảnh phất phơ bên má hay một nếp nhăn rạng rỡ kéo từ cánh mũi xuống khóe môi khi cười. Nếu không là những ngón tay thô kêch nhưng uyển chuyển của một phụ nữ từng trải, móng tay hồng hào sạch sẽ thì cũng là đường gân khỏe mạnh nổi trên bàn chân. Những cái đẹp không chuẩn. Không mắt to, mũi nhỏ thẳng, hay đôi môi hình trái tim. Không lông mày lá liễu và ánh mắt liếc như dao cau. Không nước da trắng hồng không tì vết hay sợi lông mao nào lộ liễu. Không tay búp măng và chân thẳng dài. Tôi yêu những gương mặt dành phần lớn thời gian để đăm chiêu vì cuộc sống và bỗng tỏa rạng ngời khi nhận một cuộc điện thoại. Tôi thích thú khi nhận thấy sự đắc chí của một người đàn ông trên tàu khi bấm phím điện thoại nhắn tin cho người quen mà không cần rút điện thoại ra khỏi chiếc bao nhung đen.

Và tôi luôn tưởng tượng nếu tôi có thể bấm máy tự do, tôi sẽ lên khuôn hình như thế nào, bố cục, ánh sáng ra sao, những bức ảnh sản phẩm đúc khuôn từ xã hội sẽ được xử lý màu tươi tắn rạng rỡ hay xanh xao cũ kỹ.

Tôi vẫn nói tôi không để ý đến nước sơn, nhưng hàng phút tôi săm soi đi tìm cái đẹp cho những con người bình thường. Đấy là niềm vui, là thói quen đang biến thành phản xạ, là sự giết thời gian, là một việc mà đôi lúc hứng chí tôi tự gán cho nó tính nhân văn.

3. Một bức ảnh đám ma đẹp luôn đẹp hơn những bức ảnh đám cưới. Một bức chân dung tự nhiên đẹp hơn một bức tạo mẫu hoàn hảo về sắc cũng như kỹ thuật. Có người mẫu là có sản phẩm, nhưng tôi không thích xem ảnh người mẫu đẹp. Và ảnh của tôi, nếu không dùng cho mục đích thương mại, không bao giờ có người mẫu, chỉ có nhân vật. Có nhân vật là có cuộc đời.

4. Những người đàn ông trong giới nhiếp ảnh tán rằng có mấy thứ để tạo nên một bức ảnh đẹp: rượu, thuốc lá, người mẫu, và thời tiết. Tôi nghĩ chỉ có một thứ để tạo nên một bức ảnh đẹp hoàn hảo: tâm hồn.

5. Có một số người đeo tai nghe đi đường chỉ vì sợ mình trông có vẻ không bắt kịp với sự phát triển của trào lưu hiện đại. Có một số người khác trang điểm như một liệu pháp an toàn, không phải vì nghĩ mình sẽ đẹp hơn mà vì không biết như thế nào thì mình sẽ đẹp.

6. Một lời tỏ tình bất ngờ là thú vị. Một hành động tỏ tình là ngọt ngào. Mà đôi lúc chỉ đến khi đi cạnh nhau, chẳng cần nói gì mà vẫn thấy nhận được sự đồng cảm, thì mới cảm nhận được cái đẹp. Cái đẹp có nền tảng trừu tượng nhưng vững chắc nào đó. Cái đẹp không tạo cảm giác phù du hay thức thời. Tôi biết, tôi lại vẫn nhìn vào nước gỗ để cảm.

7. Có những thứ mãi tồn tại là mâu thuẫn.


Thursday, June 26, 2008

Tản mạn: Tiếc

Tossed aside


- Con người ai cũng tham, bởi vì ai cũng tiếc.
- Tiếc gì?
- Sống vội vì tham công tiếc việc.
- Thế ăn vội?
- Tiếc thức ăn thừa. Để lâu sẽ chua hỏng.
- Đưa máy lên chụp vội thì sao?
- Tiếc cái đẹp.
- Đi đường tắt?
- Tiếc sức lực của mình. Tiếc cái mòn mỏi của ai đang đợi.
- Còn đi đường dài?
- Tiếc cảm giác thư thả.
- Thả diều?
- Tiếc gió.
- Vậy em có tiếc gì?
- Em tiếc đã không nhặt những hạt chi chi đỏ như kẹo đường ấy về cất giữ. Tiếc một phút bình thường nhất giữa những phút bình thường hiếm hoi.


Báo chí - Sạn to và rỗng

Hôm nay lòng vòng dantri.com.vn bạn Mây đọc được bài viết này về nhiếp ảnh, cụ thể là Lomography, đối với thế hệ teen. Ban đầu là mừng khấp khởi vì gặp chủ đề yêu thích, mà đọc xong nhìn xung quanh thấy chuối vương vãi ngổn ngang cả mấy nải.

Nửa đầu bài phản ánh xu hướng lấy nhiếp ảnh làm đam mê của lớp trẻ, thuần là thực tế, chưa có gì tòi ra cả. Nửa bài sau viết về Lomography, trong đó Lomography được tác giả định nghĩa là trường phái lọ mọ gặp cái gì cũng chụp với bố cục ảnh rải rác. Đọc tới đây gãy mất một răng cửa vì cắn phải sạn rồi. Tiếp theo không có một cái ảnh nào đúng là lomo được lấy ra minh họa cả, chỉ có ảnh chỉnh màu ngả vàng được nhét vào. Vỡ cả răng hàm. Đã không biết thì tìm hiểu, đã không tìm hiểu thì đừng thè lưỡi ra phát ngôn để thiên hạ cắt. Sai. Rỗng.

Mới qua 21/06 có mấy ngày mà báo chí như thế này đây!

--

Thứ Tư, 25/06/2008 - 2:16 PM


Những teen mê “đi săn bắt con nghệ thuật”



Những “tay chơi” rất chất

“Đã xưa rồi những môi chúm chím, mắt mở thật to, chụp hắt từ trên xuống”, nhận xét của một nhóm bạn trẻ 9x khi hỏi về phong cách chụp ảnh của teen bây giờ. Trước đây, sắm một chiếc di động có chế độ chụp ảnh khoảng “2 chấm” trở lên là đã có thể có vô vàn kiểu ảnh nghịch ngợm, “chơi chơi” rồi post lên blog để chia sẻ với bạn bè. Các dòng máy di động chụp ảnh được teen ưa chuộng như K của Sony Eriksson vì có ống Carl-Zeis danh tiếng, hay bộ N-Serie của Nokia cũng là lựa chọn không tồi. Chọn một chỗ “yêu yêu” như góc quán cà phê, bên bàn học, trước gương, hay bất cứ chỗ nào thích là teen đã có thể “tự sướng” ngay được.

Nhưng trào lưu trên đã phải nhường chỗ cho một phong cách chụp ảnh mới, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm và sự đầu tư để mang đến những bức ảnh sắc nét hơn, độc đáo hơn và cũng chuyên nghiệp hơn. Minh Trang,17 tuổi, người mẫu nghiệp dư chia sẻ về những lần được các “tay máy” xì - tin rủ đi chụp ảnh: “Lúc đầu mình tưởng cũng chụp chơi thôi, ai dè các bạn chuyên nghiệp lắm. Máy ảnh số “dàn hàng”, có bạn lo make-up, bạn lo dựng cảnh, rồi stylist (tạo dáng cho mẫu), không khác gì một ê-kíp đang làm việc.

Hôm đó, cả nhóm “quần thảo” ở khu vực ga Gia Lâm, vài ngày sau những tấm ảnh đầu tiên được công bố làm mình sốc lắm. Vì nó rất đẹp, từ độ sắc nét, ánh sáng đến bố cục. Không chỉ bạn bè mà bố mẹ mình cũng ngạc nhiên trước cách chụp của các bạn”.









Vài tấm ảnh trong album của nhóm Fly with Photograph (S.H Group)

Nhóm chụp ảnh của Trang chỉ là một ví dụ nhỏ về cả một cộng đồng đam mê nhiếp ảnh và muốn chụp ảnh chuyên nghiệp. Mặc dù không tham gia bất cứ một khoá học nào về nhiếp ảnh, nhưng thông qua diễn đàn, và nhất là kinh nghiệm tự trau dồi với phương châm “trăm hay không bằng tay quen”, “cứ chăm đi bắn thật nhiều khắc lên trình” các bạn trẻ tạo ra một luồng gió mới với bộ môn nhiếp ảnh. Nhiều bức ảnh được chụp bởi các “tay máy” 9x khi được chia sẻ trên mạng đã khiến nhiều anh chị chụp ảnh chuyên nghiệp phải trầm trồ.

V.Hiển (25 tuổi, phóng viên) cho biết: “Các bạn teen chụp nghiệp dư có thể dùng bất cứ loại máy nào nhưng đa số là những máy point n shot nhỏ gọn của Sony, Canon, Nikon, Fuji… Những dòng máy này tuy chưa thay được ống kính nhưng cũng đảm bảo cho các bạn chụp ảnh có yêu cầu trung bình. Khoảng 500đô la là các bạn có thể sở hữu 1 máy DSLR cùng 1 ống kính trung bình để “đi săn bắt con nghệ thuật”.

Khi đã có máy rồi là đến công đoạn tìm địa điểm, mẫu và lên ý tưởng cho bộ ảnh. Thảo Vân (19 tuổi, V.Đ) đã tham gia nhiều bộ ảnh với vai trò tạo mẫu chia sẻ: “Bọn mình xác định chụp để thỏa mãn đam mê chứ không vì một lý do cá nhân hay thương mại nào, nhưng bọn mình đầu tư, chăm chút cho nó hết mình để nó phải là một cái gì đó ghi dấu ấn của cả nhóm. Có thể là một cô gái đang vật lộn với cuộc sống để tìm ra ý nghĩa thật sự của hạnh phúc, hoặc là một chàng trai mắc chứng bệnh trầm cảm cần đến sự quan tâm của bạn bè, những trăn trở băn khoăn khi bạn tìm con đường riêng cho sự nghiệp…

Từng góc chụp, diễn xuất, thần thái của người mẫu đều không bị bỏ qua. Mỗi một bộ ảnh hoàn thành là bọn mình chia sẻ với bạn bè để rút kinh nghiệm, tìm thêm những cảm hứng mới cho các bộ ảnh sau.”.

Lomography - Những người “lọ mọ”

Thay vì đứng trước ống kính, và tổ chức thành một nhóm đi chụp ảnh là những bạn thích “solo”, dùng những dải màu của mình đề nhìn về cuộc sống, cuộc sống xung quanh và cuộc sống của chính bản thân mình.

“Một mình một “súng”, tớ có thể lang thang mỗi buổi trưa hè, “săn” những giọt nắng đang nhảy múa trên một ô cửa nhỏ xinh khuất trong một con phố cổ Hà Nội, hay một cụ già cười móm mém đang phơi chiếu, từng tốp em bé thả diều vào một chiều nắng gió trên Hồ Tây… Tất cả đều là những khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc sống mà tớ muốn lưu giữ lại”, M.Hải (21 tuổi, MTCN HN) tâm sự về những bức ảnh đã cho cậu cảm nhận về cuộc sống và gắn bó với niềm đam mê khó dứt này.

Chụp được tấm ảnh ưng ý đã tốn nhiều công sức mà việc giữ gìn, bảo quản máy móc sao cho tốt cũng rất quan trọng. Trọng Thái (19 tuổi, T.P) rất sáng tạo trong việc bảo quản chiếc máy ảnh của mình: “Máy ảnh số kỵ độ ẩm và va đập, nên khi “tác nghiệp” bạn phải có một chiếc túi đeo đủ êm để tránh ảnh hưởng đến máy. Còn khi để tại nhà, tốt nhất là nên có một chiếc tủ chống ẩm và ẩm kế đi kèm, tuy nhiên loại này đắt nên mình mua hộp đựng thức ăn bằng nhựa to và doăng cao su thay thế. Đổ vào đó một chút hạt chống ấm (Silica Gel) có thể mua dễ dàng ở các cửa hàng hoá chất, chỉ cần 225 g SG là đủ, nếu nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của máy”.


Thể loại ảnh “Lomography” (chưa có từ tương đương trong tiếng Việt) là phong cách chụp ảnh tự do, không có sắp xếp, bố cục, những tấm ảnh hoàn toàn được chụp ngẫu nhiên được nhiều bạn trẻ “chuyển ngữ” thành “nhiếp ảnh lọ mọ”. Lọ mọ chọn máy, lọ mọ đi tìm từng góc cạnh của cuộc sống để bất ngờ “chộp” lại những hình ảnh chân thật, có thể sẽ không gặp lại lần thứ hai.

Và có cả những niềm đam mê nhiếp ảnh nối dài từ đời ông, đời bố đến cậu con trai lại “tập toẹ” vớí máy ảnh cổ. V.Hùng được ông nội và bố “nhượng quyền” sử dụng chiếc máy ảnh Nikon FM2 cùng những bài học vỡ lòng của một “tay chơi” nhiếp ảnh: “Bố mình thì luôn dặn nên tận dụng ánh sáng tự nhiên mọi lúc mọi nơi, cùng lắm mới phải sử dụng đèn flash và những nguyên tắc cơ bản của bố cục ảnh. Còn ông thì dạy mình điều khiển lên phim, lấy nét, chỉnh tiêu cự hoàn toàn bằng tay.

Mình thích máy ảnh phim vì thực sự chưa có một máy kỹ thuật số nào có thể chọn ra một bức ảnh có độ nét sâu và màu thật như máy phim. Mình hiểu để có thể gắn bó với nó là rất gian nan vì từ tốn tiền phim, bảo quản phim lẫn máy, rửa, tráng ảnh đều phải học hỏi và đầu tư thời gian, công sức nhiều”.


Bắt đầu với những tấm ảnh tự nhiên, sắc nét, chân thực về cuộc sống hay những bộ album đầu tư công phu, độc đáo, các bạn trẻ đều được thoả mãn niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh. Sau mỗi khoảnh khắc bấm máy, là biết bao cảm xúc được ghi lại, là biết bao câu chuyện hay không cần kể bằng lời.

Ly Vũ

--

Ly và Vũ, hình như cả thảy hai mình, mà làm ăn hay ho nhỉ!


Friday, June 13, 2008

Vịt bầu




(Dành cho các tình yêu đã ngọt ngào hỏi bạn Mây đi đâu suốt hai tuần )

Cái chai syrup này sau hai ngày đầu tiên đã hết veo, mặc dù bác sỹ bảo mỗi ngày cháu gái nhỏ nhẹ uống ba lần, mỗi lần 5ml (một vạch) thôi. Mấy chú kiến khi đánh hơi được mùi mật ong viện quân chạy đến thì đã tiệt không còn giọt nào.

Mình, sau bao nhiêu thuốc nước thuốc viên, vẫn sở hữu một chất giọng khàn đáng giá bộn tiền đấy các tình yêu ạ. Mình đang đắp chăn nằm xoài ở nhà, các tình yêu đầu tư đi không thì hàng mất giá, tiền còn mất giá tợn hơn.