
Một chuỗi mùi vị tạo nên sự phong phú cho cuộc sống. "Phong phú" nghe có vẻ tích cực quá, thực ra là sự đa dạng. Cứ cho rằng một giờ đồng hồ ta lại nhận thấy một mùi riêng, vậy... Không cần dài dòng, máy tính đưa ra kết quả: 8760 mùi trong một năm. Khoa học làm cho sự việc máy móc ở chỗ đấy. Con số rất oai, nhưng thực tế là xung quanh cái góc thị đi ra đi vào mỗi ngày, căn hộ khép kín thị lấy làm nơi ẩn náu, khu vực thị dạo qua dạo lại cả năm trời, ngày nào cũng lặp lại một số mùi mà thị lấy làm một trong những nguồn vốn tạo sự đa dạng của cuộc sống.
Tuy nhiên, tất cả qua rồi. Thị chẳng dời đi đâu khác cả, nhưng quan điểm của thị đổi thay. Thị tưởng hàng ngày mũi thị hít ra hít vào cái không khí quen thuộc ấy, thị phải hiểu nó lắm. Chắc hẳn ai cũng nghĩ thế, và tin thế.
Một. Ai cũng biết xà phòng tắm thì thơm, đã cho lên người là phải thơm, và điều này rõ ràng đối với tất cả, từ những người sạch sẽ khó tính đến các đối tượng xuề xòa với bản thân. Đã ai thử để hỗn hợp loãng nước xà phòng tắm (nước sạch) qua ngày? Sạch tương đối, bởi đó ít nhất không phải là hỗn hợp đã qua sử dụng. Và hôm sau ngửi xem... Không thơm nữa, không thể coi là thơm, mà là hắc - một mùi hóa chất rất xà-phòng-tính nhưng mũi người khó để gần lâu được vì nó chẳng còn giống như nó lúc ban đầu. Thị không nhớ Hóa học nữa, không biết do trong nước có lắm thứ tạp chất hay do đặc tính của loại xà phòng, nhưng ấn tượng mỹ miều của thị về xà phòng giảm sút trông thấy. Đấy, thứ mà thị tưởng rằng thơm là bản chất mà một ngày chợt hóa ra không.
Hai. Cà phê là một thức uống, lúc được coi là dân dã, lúc lại coi là thú chơi của người sành sỏi, cao sang. Cũng là tùy cách thưởng thức, tùy loại cà phê, tùy cách pha thêm sữa, kem, đường, nhưng bản chất không thay đổi: nước cà phê được chế từ hạt cà phê nâu nâu mộc mạc. Trước đây thị ít khi dùng cà phê và cũng không thích dùng. Sáng nay trời xanh cao, nắng dịu ấm và gió hiu hiu làm tóc thị bay rung rung, thị phấn khởi quyết định đun nước và làm một nhấp cà phê. Bữa sáng trôi qua nhanh và cũng không để lại ấn tượng quá lớn vì dù sao nhiều việc phải làm choán gần hết bộ nhớ của thị. Những ngón tay lướt trên bàn phím máy tính mãi cũng mỏi, và như mọi lần, thị thỉnh thong đưa một tay lên chống cằm. Một mùi khen khét khẽ luồn qua lọn tóc bay trên má và lẩn quất quanh khuôn mặt thị. Mùi khét dễ chịu thế, nhẹ thôi mà dường như nó đưa thị ra khỏi thế giới của tường gạch, màn hình, và khung cửa sắt. Thị không mất nhiều thời gian để tìm nguồn gốc của mùi hương ấy - nó từ những ngón tay lỡ chạm vào vài hạt bột cà phê nhỏ như bụi khi thị mở gói pha nước buổi sáng. Chẳng biết do đó là cà phê Việt Nam, do tinh thần thị phấn khởi đầu ngày, hay do cà phê bây giờ đổi khác mà thị bỗng thấy ngạc nhiên khi nhận ra mình yêu mùi hương ấy. Những hạt cà phê từ xưa lưu lại trong thị một hình ảnh không hề quyến rũ - màu nâu xỉn, tròn, ngắn, và thô kệch. Khói cà phê nghi ngút bay ra từ chiếc máy pha bằng nhôm dày Đông Âu dùng từ thời bao cấp của bố để vương lại trong trí nhớ của thị một mùi khét giống như cơm khê vậy. Giờ thì khác, thị lại yêu mùi khen khét ấy của cà phê, yêu cái dân dã mộc mạc toát ra từ nó, một tình yêu đơn giản của một người thiếu chất sành. Nhưng có khác gì đâu khi tình cảm là không đong đếm so bì được, thị hài lòng với điều đó. Và... đấy, thứ mà thị tưởng thơm không phải là bản chất hóa ra lại đúng thế.
...
Thị chưa đủ chín chắn như người trung niên hay bậc phụ lão để có thể khề khà mà rằng: "Bao nhiêu người đã đi qua đời tôi. Tôi hiểu bản chất họ chứ!" Tuy nhiên, thị cũng tiếp xúc đủ để hiểu rằng bản chất không thể nào giấu giếm được. Thị, như nhiều người khác, cũng đầu tư vào nhiều mối quan hệ, và một số kết quả tiêu cực không lường trước luôn khiến con người ta sững sờ, rồi mất đi một chút lòng tin, so đo thêm một chút, nghi ngờ thêm một chút. Vậy nhưng cũng tồn tại những sợi dây thị vốn cho là mỏng mảnh thôi, hời hợt và trôi nổi thôi, lại một ngày nào đấy thể hiện sức kết nối chặt chẽ đáng ngạc nhiên. Nghĩ về mình, đơn giản lắm, thị không thể quá dịu hiền, nết na nếu đó không phải là cá tính thị sở hữu; thị không có khả năng cầm dao chặt phăng những chiếc đầu cá khi thị không bao giờ dám hé mắt nhìn; và dù là một giữa xã hội con người còn đói kém thời buổi bao cấp, thị có lẽ cũng không thể tung chân đá khiến con mèo rình ăn bay vọt từ bếp ra sân như cô Lý trong "Mùa lá rụng trong vườn". Có khi người nào cũng thế, chỉ có thể là bản thân người ta. Cuộc sống giống như những cuộc phỏng vấn - nếu anh biết anh không hợp với công việc ấy, không thích công việc ấy, anh khó lòng vượt qua khỏi những nhà tuyển dụng tinh tế, và nếu anh may (hay không may) được nhận vào làm, anh có trụ nổi một thời gian dài?
Những người đi trước, những người khôn ngoan, những sách vở, những ca dao tục ngữ khuyên con người phải biết chọn lọc, không chỉ ở các mối quan hệ mà còn ở những việc ta cân nhắc, cái nào nên làm trước cái nào, và có nên làm hay không. Ồ, tối nay thị sẽ lại đun nước pha cà phê, thị yêu cà phê rồi, yêu cái thơm tho trong bản chất của nó. Thị sẽ lại nhấm nháp, và, để xem nào, thử cân nhắc...