Wednesday, June 28, 2006

He.p va` ro^.ng

Máy tính của tôi đã được đưa đi bảo hành hôm nay. Chỉ một tiếng đồng hồ thoát khỏi trung tâm thành phố mà cảm giác tôi khác hẳn. Cỏ lau và một bầu trời xanh trong đầy tràn nắng đem lại sự tự do, hay ít ra là cảm giác được tự do. Thành phố chẳng có tội gì cả, nhưng sự chật chội của nhà cao tầng và những gốc cây to tạo ra kìm hãm, mà cái kìm hãm ấy không chỉ về mặt vật thể mà còn là tâm tưởng. Có thế mới trân trọng một bãi cỏ lau hay đơn giản một chiếc cột đèn dáng mềm mại trên nền trời cuối chiều.



Image



Khi đi, ra mới gần đến Expo mà người tôi đã có cảm giác háo hức lâng lâng như được kéo chiếc vali nặng quen thuộc khắp sảnh sân bay Changi trong lúc suy nghĩ chỉ đặt về một nơi xa xôi mà gần gụi lắm: nhà.




Về lại trung tâm thành phố khi trời đã sập tối. Cảm giác bó buộc bắt đầu quay lại, và khoảng không cá nhân hẹp dần cho đến khi tôi nhìn thấy người ăn xin ấy. Một ông già người châu Âu, vẻ cằn cỗi lộ rõ trên gương mặt lấm lem, trong bộ áo quần mà khi nhìn chúng ông lão bán kem dạo người gốc Trung Hoa gần đấy cũng có thể thở dài yên tâm cho địa vị của mình. Người ông cao lắm, một khung xương điển hình của người châu Âu, nhưng nhìn thoáng qua ông chỉ có gày mòn và hốc hác. Cái mà người châu Âu hay phân biệt với các tộc người khác là nước da trắng hồng không còn vết tích trên khuôn mặt, bàn tay hay bàn chân ông. Ông ngồi yên đấy bên vệ đường bụi bặm, thổi sáo, cùng một chiếc khay xin sự trợ giúp từ những người châu Á giữa phố xá với ánh điện dường như soi sáng được không khí và các cửa hàng xa hoa. Không hiểu vì sao tôi cảm thấy xót. Gặp một người ăn xin, cảm xúc đầu tiên là thương cảm, nhưng khi này là xót. Tôi mặc định rằng người da trắng sinh ra thường sống sung sướng về vật chất, và khi thấy họ khổ hơn mình, khổ như những người ăn xin quanh mình, tôi không chịu chấp nhận. Tôi không muốn tin mắt mình khi xem cảnh người dân Nam Tư khổ sở tị nạn khi bị đánh bom. Đấy là trên vô tuyến, và tôi hoài nghi lắm, thậm chí còn tự an ủi rằng họ sẽ sống sướng như cũ ngay thôi để phù hợp với quan niệm mặc định của mình. Còn bây giờ là thực tế, nó chứng minh cái mặc định kia hoàn toàn chắc khỏe, nên tôi xót. Rất nhiều. Ai đó có thể nghĩ tôi sùng bái người phương Tây, nhưng ngược lại, tôi đang nghĩ người phương Tây có bớt phân biệt màu da không khi nhìn thấy một hay nhiều người da trắng của họ xin ăn trên đường phố của người phương Đông như thế này. Tôi đơn giản lắm, tôi chỉ khó chấp nhận khi mặc định của tôi dựa trên thực tế, mà thực tế toàn chỉ chứng minh điều ngược lại với lý tưởng của nhiều người.


 

Lại về chuyện khi tôi nhìn thấy người đàn ông ấy, bỗng nhiên mọi thứ tan biến mất, sự bó hẹp không còn nữa. Cuộc sống tôi còn rộng rãi lắm so với người châu Âu ăn xin kia. Những khổ sở qua ngày của tôi thoắt trở nên những nỗi buồn tẹp nhẹp. Chẳng gì cả, mọi thứ của tôi đều sẽ có thể giải quyết được, bởi người đàn ông châu Âu cùng đáy xã hội Singapore phát triển kia còn xoay tìm được một góc phố, một lối đi, một cách sống để tồn tại có ý nghĩa trên cuộc đời chật hẹp này.




Wednesday, June 14, 2006

Phoeyyy...

Ui giời ơi mệt...

Monday, June 12, 2006

Ba`n tay




Đào, xới, bới, móc… Lật những lớp đất khô và cứng.


Chưa thấy gì. Đôi bàn tay vẫn còn mềm mại và chưa có vết xước nào.


Lại đào, lại bới. Vẫn chưa thấy gì. Bàn tay đã hơi mỏi, nhưng biết không thể dừng lại ở đây. Nghỉ một quãng và đào tiếp, tìm tiếp.


Chưa biết bao giờ tìm thấy. Có lẽ khi bàn tay đã thô ráp, chai sạn hơn? Không hẳn thế, có bàn tay cần có cả khối óc, có việc đào bới tìm kiếm phải có suy nghĩ.


Ít nhất, và cũng quan trọng nhất, cần biết mình đang tìm cái gì. Có biết mới được có hy vọng.


Và tiếp tục đào, tiếp tục tìm…





Wednesday, June 7, 2006

Tản mạn: Hình ảnh


window pane


Ngày nào không mưa không nắng thì được xem là ngày đẹp trời. Ngày nào mưa rất to, sấm thì thùng và chớp nhì nhằng nghĩa là ngày đó rất đẹp. Tuy nhiên không thể ngày nào cũng rất đẹp được, và do đó tôi tự khiến mình bằng lòng với một ngày đẹp trời. Hôm nay là một ngày đẹp trời như thế, tôi có hứng thú và lâu lắm rồi tôi mới ngồi nhìn lại đoạn đường ngắn ngủi hơn một tháng mình vừa đi qua.

Nếp sống đã thay đổi nhiều lắm. Thay vì sáng dậy lơ mơ không nhớ rõ hôm nay có tiết học gì, bây giờ sáng dậy tôi chỉ nghĩ đến cái máy ảnh. Cái máy ảnh rất đơn giản, không hào nhoáng (dù trông có “điển trai” hơn sau khi cậu bạn chụp ảnh bắt bóc gỡ miếng nylon dán bảo vệ trên màn hình đã xoắn lại qua ngày tháng), không nhiều chức năng (thậm chí trong cái không nhiều ấy, phần lớn tôi còn chưa luận ra), và thế nên nhìn bao quát, cái máy ảnh không là gì cả. Cho dù mất nó tôi cũng không tiếc lắm về mặt vật chất vì bản thân nó chưa bao giờ được xếp cạnh một chiếc bán chuyên nghiệp Canon S3IS hay thấp hơn là Finepix S5500, dù chỉ trong suy nghĩ của tôi, nhưng giá trị tinh thần của nó là không kể hết. Không mấy khi ta sở hữu một thứ không là gì cả nhưng là tất cả! Tôi chọn mua nó cách đây một năm, với ý thích đầu tiên và ngô nghê nhất của một người mua máy ảnh là vỏ máy có màu hồng chết (tông màu xỉn) rất hợp với con mắt nhìn của tôi. Tuy đơn giản là ý thích về màu sắc kỳ dị nhưng tôi lại đem lòng yêu chiếc máy ảnh của mình với một tình yêu rất lạ, như hẳn nó là người hiểu được tâm tư tôi nghĩ gì vậy. Bước qua bao con phố lát đá tối tăm quyến rũ của Thụy Sỹ, luồn lách dưới gầm thư viện NUS, ngã xe đạp ở Pulau Ubin, trầm tư nơi phố cổ Hội An, lang thang trong im lặng trên đường Orchard ngày đêm náo nhiệt, đó là người thú vị và (can đảm) gắn mình với tôi nhiều nhất trong một thời gian ngắn. Điều này đi ngược lại với quan điểm của tôi về các mối quan hệ, nhưng lại khiến tôi yêu thích, nên phần nào chứng minh sự thay đổi trong tư duy của bản thân.

Trước kia chụp một loạt ảnh xong, tôi không giấu được sự hồi hộp đến phút đưa ảnh vào máy tính và ngồi nhận xét. Bây giờ tôi chụp nhiều hơn trước, nhưng cũng e dè hơn trước, và không còn háo hức đưa ảnh vào máy tính rồi ngắm chúng nữa. Flickr đi vào cuộc sống của tôi như một thước đo giá trị nghệ thuật, một thứ nghệ thuật rất tự nhiên, thể hiện thế giới quan và tính cách mỗi con người chứ không mang tính chuyên nghiệp trong khuôn khổ mà học vấn xây dựng cho các tay thợ chụp ảnh. Tôi thấy mình nhỏ bé và hàng triệu nhân tài chụp ảnh ngoài kia đang đánh giá tôi. Tôi cẩn thận hơn khi đưa ảnh lên bộ sưu tập ấy, và vì thế cũng khắt khe hơn khi tự đánh giá những gì mình chụp được.

Cũng vì những màu sắc, có âm ỉ, có sống động, của cuộc sống bao quanh mình, âm nhạc không còn chiếm phần nhiều thời gian của tôi nữa. Chiếc máy tính xách tay không nhiều khi được mở ra chỉ để nghe nhạc như trước, và các chương trình “giao lưu” trực tuyến (bạn biết đó là gì!) tự nhiên trở nên hời hợt. Tôi thấy yêu hình ảnh hơn, vai trò của âm thanh thu nhỏ lại, và tôi bỗng cần được nói chuyện trực triếp với các bạn mình, nhìn sắc thái tình cảm trên khuôn mặt họ hơn là qua những khung cửa sổ ảo trên một màn hình quá bé nhỏ so với không gian bao quanh tôi. Những chương trình “giao lưu” ấy kỳ diệu thật, nhưng chúng vô vị một khi ta nhận ra vẻ đẹp của các vật thể quanh mình. Một vết dầu xe loang dưới mặt đường trong ánh nắng rạng rỡ sau mưa, một cánh chim hớt hải khi mặt trời sắp sửa tắt nắng, một đôi khóe mắt nhăn nheo bên bờ cát phẳng và mặt biển êm…

Đã bao giờ bạn nhận ra như thế?! Cuộc sống ở bên ngoài khung cửa sổ.