Friday, May 26, 2006

Cuộc nói chuyện hiệu quả

Buổi sáng cô tỉnh giấc bởi những tiếng giày nện trên sàn gạch hành lang và tiếng động mạnh do hai cánh cổng sắt nặng nề của tầng cô ở bị buông và đập vào khung. Còn sớm lắm nhưng nắng đã vàng chứa chan trên cả rừng cây xa xa, từng cụm mây trắng xốp từ tốn lướt qua khung cửa sổ rộng nơi giường cô nằm. Uể oải ngồi dậy, cô vươn vai và miễn cưỡng chờ đợi lúc căn phòng được hâm nóng lên bởi nụ cười của mặt trời.


Bước ra bếp. Bếp không có gió như mọi khi, và cô có cảm giác bếp càng nóng hơn khi chỉ còn một vài vật dụng nấu nướng của cô – bạn bè cùng tầng đã dọn đi hết, cô sống qua những ngày không nói chuyện trực tiếp với ai và những buổi tối sợ hãi vì từng cơn gió mạnh hun hút ngoài hành lang. Hôm nay nhiều người qua lại ngoài hành lang quá, lại chỉ toàn những người thợ kỹ thuật. Cô ngầm hiểu sắp có sửa chữa quanh đây.


Trưa. Hai người đàn ông không mặt đồng phục, không đeo biển hiệu rảo bước dọc hành lang ngoài phòng cô và dừng lại trước cửa phòng. Họ gọi cô, thông báo cô phải chuyển sang khu nhà khác bởi ở đây sắp có xây dựng và hạn cuối để chuyển ra đã là ngày hôm qua. Cô tin họ, bởi những gì cô thấy cả buổi sáng đã phần nào nói lên điều đó. Cô xuống ban quản lý khu nhà và được chỉ dẫn gặp người phụ trách vấn đề này. Một người phụ nữ to béo, mặc một chiếc váy (hay áo) trùm dài từ cổ xuống gót chân, chào cô với một ánh mắt không vẻ thân thiện. Chiếc váy làm bà ta trông thấp hơn và tròn hơn.



-  Bây giờ thì cô đã muốn chuyển nhà sao?


-  Xin lỗi bà, vừa có người cho tôi biết.


-  Thông báo đã dán khắp nơi, sao cô không chịu đọc?


-  Tôi không được thấy một thông báo nào cả. Những người sống quanh tôi cũng không biết.


-  Cô sống một mình một tầng mà cô không thắc mắc về việc bạn cùng ở đã chuyển đi sao?


-  Tôi không, vì họ về nhà của họ trong dịp nghỉ này.


-  Không đâu, họ chuyển sang các khu khác đấy mà cô thì không hề biết.


-  Không phải đâu, họ về với gia đình mà.


-  [Im lặng một chút] Nhưng thật sự cô không chịu đọc thông báo!


-  Tôi nhắc lại là tôi không thấy thông báo nào…


Chưa kịp để cô kết thúc câu, bà ta quày quả bước ra khỏi chỗ ngồi có vẻ chật chội so với thân hình phốp pháp của mình và bước nhanh ra cửa. Cô đứng yên một lúc trước hành động không giải thích của bà, rồi chợt nhận ra và bước theo. Bà đi nhanh hơn cô tưởng, và chẳng mấy chốc đã đứng trước một bức tường kính, trên có dán hàng chục thông báo trong suốt cả năm học. Bà chỉ vào hai tờ giấy A3 kín chữ ở xa xa bằng ngón tay ngắn múp míp và nói ngắn gọn: “Đấy, nó đây.” Cô không biết thực sự, cô chưa nhìn thấy chúng bao giờ. Đối với một người thích thiết kế và có khá nhiều kinh nghiệm thiết kế các tờ quảng cáo, tờ rơi, và thông báo như cô, cô không bao giờ bỏ qua một thông báo nào trên tường, chưa nói tới việc cô luôn bình luận về bất cứ tờ thông báo nào trong đầu về thiết kế hình ảnh, về lời lẽ chữ nghĩa, và do đó về chất lượng tác động của chúng. Giờ bà phụ trách nhìn cô tỏ vẻ không hài lòng, và cô, sau dòng suy nghĩ nhanh của mình, càng khẳng định cô chưa nhìn thấy chúng. Bà ta khó chịu về sự ương bướng của cô ra mặt nên chỉ kết luận nhanh: “Tôi không biết. Tôi đã cho người dán khắp các thang máy ngày mùng năm, và hôm nay đã là hai nhăm rồi. Tôi không chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của cô nữa.” Đoạn bà lại quày quả đi về chỗ ngồi của mình bên trong ban quản lý, rồi bà nhìn lịch và tuyên bố đầy thương hại:


-  Thôi được, cô đã chậm thì tôi cho cô đến chiều mai phải chuyển xong rồi và đưa chìa khóa phòng cũ cho tôi. Tôi đưa cô chìa khóa vào phòng mới đây.


Cô sửng sốt với quyết định của bà vì mọi năm cô thường mất một tuần để thư thả, bình tĩnh dọn đồ đạc cho kỹ. Cô phản đối:



-  Tôi không biết về việc này. Đồ của tôi rất nhiều và tôi không thể dọn trong tối hôm nay và ngày mai sang khu khác được. Tôi cần có người giúp...


-  Thì sao nào? Cô nhờ bạn bè cô. Bây giờ mới ba bốn giờ chiều mà. Cô còn cả chiều, cả tối, và cả ngày mai (?!).


-  Ngày mai tôi có kế hoạch khác của tôi. Tôi xin lỗi bà, nhưng bạn bè tôi không phải cứ gọi là có mặt tập hợp như quân đội được.


-  Tôi chẳng biết, tôi cho cô đến chiều mai.


-  Thứ bảy hay chủ nhật được không bà? Tôi thực sự cần sự giúp đỡ, vả lại tôi vẫn ở đây, tôi vẫn là khách hàng của công ty nhà ở của bà.


-  Không! Cô phải chuyển trong ngày mai.


-  Thế này là vô lý, tôi không thể làm được như bà muốn. Xung quanh tôi ở các tầng khác vẫn có người ở đấy thôi, chứng tỏ họ cũng không có cơ hội đọc được thông báo của bà.


-  Tôi chịu thôi. Cô thích thì vào nói chuyện tiếp với đại diện của OSA.


“Cám ơn bà!”, cô nói với giọng mỉa mai và bỏ ra cửa. Đằng sau tiếng bà phụ trách còn í ới một câu gì đó. Cô trở về phòng mình và ngồi thừ ra, cô biết phải làm sao?! Cô nhìn xung quanh mình với một nhà đồ đạc và thở dài ngán ngẩm. Cô mở trang báo điện tử ra đọc, định buông xuôi và thực hiện chính sách chây ì. Nhưng ngẫm lại thấy không ổn nếu như ngày kia thôi có ông thợ kỹ thuật bước vào phòng cô và yêu cầu cô nhường chỗ cho ông ta để ông ta sửa chữa. Cô ngao ngán đứng dậy, tay chống vào hông đứng ngẫm nghĩ, và cuối cùng cô nghĩ mình đành phải làm thế...


Khoảng sáu giờ chiều, điện thoại đổ dồn. Cô nhấc máy và tiếng bà phụ trách vang lên: “Tôi cần câu trả lời của cô. Bao giờ cô chuyển đi được, nói cho tôi biết.” Cô giữ ý kiến mình: “Thứ bảy, thưa bà.”, nhưng lại đệm thêm: “Nhưng lúc nãy chính bà định thời gian cho tôi là chiều mai cơ mà!” “Thôi được, tôi cho cô chín giờ sáng thứ bảy, cô phải trả chìa khóa cho tôi. À, cô bảo với mấy người ở các tầng khác hộ tôi là phải chuyển đi ngay nhé...", tiếng bà phụ trách xa xa trong điện thoại, một chút gì đó mà cô không buồn nghe tiếp…


Buông máy, cô thở dài buồn bã. Sự thay đổi quyết định của bà phụ trách sau khi nghĩ lại về trường hợp của cô đã ảnh hưởng đến kế hoạch vội vàng mà cô lúc nãy đã đặt ra. Một người bạn hảo tâm khi nghe cô kể về thời hạn chuyển nhà đã cáo bỏ cuộc họp quan trọng để đến giúp cô chuyển đồ trong tối nay…


 

Friday, May 19, 2006

Một lần chụp ảnh

Hôm nay nháy được bạn này:

Up, up, and up

Lần đầu tiên thấy con bọ ngựa to thế (giờ mới biết là con bọ ngựa chứ không phải châu chấu), và cũng lần đầu tiên bị bọ ngựa dọa sợ thế. Ừ, nó gấu lắm, gặp người mà không nể nang gì. Mới được vài pô ảnh thì nó đang đi lững thững bất chợt quay đầu lại, nghển cổ lên và đôi mắt tròn lồi màu xanh lá cây giương to ra. Nó giơ hai cái chân trước (theo ông trùm là hai cái kiếm) khua múa loạn xạ, cả thân dài dựng đứng lên. Lúc ấy người đang gí sát ống kính vào nó (vì muốn chụp macro) thì thấy trong ống kính là hai con mắt xanh trợn trừng to đùng. Vừa hoảng vừa giật mình, người bỏ chạy, và nó thì nhảy lưng tưng hai ba bước rồi bay vèo vèo xung quanh.

Ông trùm bảo: “Em mà cầm lấy nó là nó chém cho ý chứ!”. Ờ thế hóa ra trông nó thế mà to tát phết nhỉ?! Người thì thấy con gì cũng sợ hết thôi, kể cả con người!

Tuesday, May 16, 2006

Tản mạn: Học

Bình thường cảm giác thi xong là trút một gánh nặng, bây giờ tự nhiên muốn học thế. Nhìn đi nhìn lại thấy chưa bao giờ có nhiều thời gian để học như bây giờ.

Trong cả học kỳ đầu tắt mặt tối (À, vì có lẽ lang thang chơi nhiều hơn là học, ấy chứ lúc đấy không chơi thì tư tưởng là tiếc nuối khôn nguôi. Các cô các cậu năm cuối cứ an ủi nhau rằng thôi thì xả xú páp cho hết đi, sau này đi làm bị các kiểu thực dân, đế quốc bóc lột, đêm về ngủ kiểu tranh thủ, cuối tuần ngủ thật.) Đến sau mid-term break được thày cô giáo nhắc là sắp phải nộp projects đấy, thế là nhảy ùm vào bể projects. Bơi oàm oạp cho đến finals thì thôi, mà nộp xong cả trăm trang projects thì hí ha hí hớn, chứ chụm năm chụm bảy cái đầu lại thì một nhóm project cũng khó mà phân tích sâu xa cho nổi mình đã học cái gì qua những projects khốn khó ấy. Tổng kết lại thì sáu tuần đầu là chơi để không tiếc thời sinh viên bù khú, sáu tuần sau cống hiến cho projects và các loại tests không tên – bạn học vào khi nào?

Bây giờ mới có thời gian để học, lúc mới tốt nghiệp lêu lổng thế này… Sâu béo đi châu Âu du ngoạn, cũng là học. Người khác làm việc tạm thời mấy ngày, mấy tuần, cũng là học. Tự nhiên nảy ra nhiều ý thích, có cái chưa bao giờ thích, chẳng hạn như IT. Nâng cao kỹ năng “Photochop” đã đành, giờ lại sinh ra muốn học lập trình, học thiết kế trang điện tử, học phần mềm này, phần cứng kia. Ôm quyển dạy “Photochop” mà vẫn còn suy nghĩ lung lắm, giá mà bộ não nhồi nhét được cả mấy loại kiến thức một lúc.

Bên cạnh IT, cái máy ảnh tự nhiên được phát huy công suất. Chụp mọi thứ có thể, hang cùng ngõ hẻm, từ con ruồi mắt đỏ, chân lông lá đậu trên cánh hoa (cái thực tế xấu xí nhiều khi chen cả vào sự lãng mạn) cho đến chốn nghỉ chân nghèo nàn chưa từng thấy của một ông lão lao công… Đã bao giờ bạn đi trên hành lang thư viện, bước trên thảm cỏ xanh và dọc theo những khóm hoa mà tưởng tượng được rằng có một người quét dọn sống dưới gầm thư viện, dưới bước chân của bạn, nơi mặt đất ẩm ướt, dốc đứng và tối tăm? Giữa trung tâm trường có một “cơ ngơi” như vậy, và sinh viên - thanh niên vẫn hay than vãn 30 tòa nhà bê tông chắc chắn, cao ráo, nắng mưa không đến đầu của PGP là bó buộc, xấu xí và chật hẹp… Nên chụp ảnh cũng là học.


Image

Đến việc ngó nghiêng cái thùng rác và xung quanh nó vào mùa sinh viên dọn dẹp để về nhà cũng là học. Nói ra thì ít ai tin, nhưng có lẽ chỉ là không để ý mà thôi. Đến lúc dọn dẹp và vứt đi đồ không sử dụng được nữa hoặc không sử dụng đến ta mới thấy tính cách mỗi người ra sao, và thậm chí nhận ra được ai là thủ phạm làm biến mất một số thứ trong tủ bếp hay phòng vệ sinh trong suốt năm học. Những lúc vứt cái gì đi, người ta không để ý mấy, nhưng những thứ mà họ vứt hay cách họ sắp xếp hàng chồng “rác” trong bếp chung nói lên nhiều điều lắm. Cứ nhìn "căn nhà" của người quét dọn và nghĩ xem chúng ta vứt đi những gì mỗi năm. Và xem xét rác cũng là học.

Càng ngày càng ngẫm càng hiểu hơn vì sao sách chỉ là một trong muôn vàn nguồn thông tin, kiến thức ta có thể học. Mà học ở thực tế giúp hấp thụ nhanh hơn, nhớ dai hơn, thú vị hơn, tuy là cũng vất vả hơn. Như đi chụp ảnh phải chui vào những nơi tăm tối, tim cứ đập bùm bùm bụp, hoặc ngó nghiêng thùng rác thì cũng phải chịu bẩn một tý… Kể ra cứ được học suốt thế này mà không phải lo cơm áo gạo tiền thì tốt biết mấy - sẽ hơn một lần bạn nói như vậy. Nhưng thực ra khi đi làm, ta vẫn học được nhiều thứ và cũng sẽ tìm được cái gì thú vị chứ nhỉ? Như ông lão lao công kể trên, thú vui của ông là ngồi ở một chiếc bàn bụi phủ dày dưới gầm thư viện và nhẩn nha điếu thuốc khi nghỉ ngơi... Âu cuộc sống có nhiều điều đáng suy nghĩ hơn những gì ta ghé mắt nhìn và những lời khuyên hay than vãn của người đi trước.

Sunday, May 7, 2006

Nothing-like things

Bao nhiêu người gặp cứ chỉ hỏi một câu duy nhất… Sao không ai hỏi han chuyện gì gần gần hiện tại một chút, ví dụ như “Mày bị trường đuổi học rồi hả?”, “Thế sắp bắt đầu cuộc sống lang thang có gì lo lắng không?”, hay một gợi ý tưởng chừng như nho nhỏ mà có khi lại thay đổi cả cuộc đời người ta như “Thử xem hát ở nhà ga một tháng được mấy nghìn đô?”, “Đồng chí nghĩ sao khi lên đường với một gánh nước mía?”


4 năm rồi và cũng sắp đến ngày phải xa PGP. Thiên đường thời đấy giờ cũng đã sập xệ, bị đè dưới hàng chồng đơn phàn nàn và yêu cầu bảo dưỡng, nhưng PGP vẫn là PGP, vẫn là cả cuộc đời sinh viên ở đấy, dù nhà cửa xấu hay đẹp. Rồi một sáng mở mắt dậy mà mình ko ở PGP hay ở nhà nữa mà ở một nơi khác, sống một cuộc sống khác, di chuyển bằng phương tiện khác, và chẳng còn cái gì free nữa… Thế nghĩa là hết thời sinh viên, thời hớn hở hưởng thụ mọi thứ ưu tiên một cách dĩ nhiên, mà quan tâm và đánh giá cao nhất là giá cả mọi món đồ và dịch vụ.


52 ngày nữa là rời PGP và trường, sẽ còn khối việc để làm và có một số cái sẽ đến dù không kỳ vọng. Sợ, lo, và cũng hy vọng mong manh.